Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 28/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 5.779.327 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 356.732 ca tử vong và 2.490.659 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 101.199 ca nhiễm mới và 5.078 ca tử vong vì đại dịch. Trong đó, Brazil, Mỹ, Nga, Ấn Độ có nhiều ca mắc mới nhất. Brazil đã vượt Mỹ trở thành nước có ca mắc trong ngày cao nhất thế giới.
Mỹ vẫn là nước có nhiều ca tử vong nhất trong 24 giờ qua với 1.437 ca. Tiếp đó là Brazil với 1.049 ca. Mỹ và Brazil là hai nước duy nhất có trên 1.000 ca tử vong trong 24 giờ qua. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.744.276 ca nhiễm COVID-19, trong đó 102.009 ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 16.002 ca nhiễm mới và 1.030 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại châu lục này lần lượt là 1.950.083 và 170.631 người. Nga, Tây Ban Nha và Anh là 3 nước dẫn đầu bảng danh sách các nước bị tác động bởi dịch bệnh tại châu Âu, lần lượt với 370.680; 283.849; 267.240 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.
Tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu tạm lắng tại châu Âu, giúp nhiều quốc gia tại khu vực dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen ngày 27/5 đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đề xuất này cần phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên.
Dịch COVID-19 đã đẩy EU rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, do đó đề xuất trên của bà Ursula von der Leyen sẽ hỗ trợ các nước bị tác động mạnh nhất. Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU và sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn.
Dù các nước châu Âu đang từng bước nối lại các hoạt động kinh tế nhưng tâm lý lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 cũng buộc các chính phủ phải thận trọng hơn. Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu cho biết các nhà sản xuất dược phẩm trong khu vực đã hối thúc chính phủ các nước dự trữ những loại thuốc quan trọng để đề phòng nguy cơ dịch tái bùng phát.
Tại châu Á, đã có tổng cộng 1.026.155 ca nhiễm và 28.681 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 23.237 ca mắc mới và 466 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 604.001 ca được điều trị khỏi; 393.473 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 13.749 ca bệnh nặng. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Nước này ghi nhận có 159.797 ca lây nhiễm, trong đó 4.431 ca tử vong vì dịch bệnh.
Ấn Độ hiện là quốc gia xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ về số ca lây nhiễm. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao kỷ lục với 7.293 ca và 190 ca tử vong. Nước này hiện lọt vào tốp 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 3 sau Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ tại khu vực châu Á. Tính đến nay, nước này có tổng cộng 141.591 ca mắc COVID-19, trong đó 7.564 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 27/5, khu vực này ghi nhận có tổng cộng 83.290 ca mắc COVID-19, trong đó 2.580 ca tử vong. Indonesia là quốc gia có số ca mắc và tử vong trong ngày cao nhất khu vực.
Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 686 ca mắc, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 23.851. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc hàng ngày là Singapore với 533 ca, tiếp đó là Philippines với 380 ca. Trong ngày 27/5, có 3 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia (55 ca), Philippines (18 ca) và Brunei (1 ca).
Tại Bắc Mỹ, Canada, Mexico, Cộng hòa Dominica… lần lượt là quốc gia xếp sau Mỹ khi ghi nhận số ca nhiễm vì COVID-19 lần lượt là 87.519; 74.560; 15.723… ca nhiễm.
Tại Nam Mỹ, Brazil hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do COVID-19 gây ra. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 411.821 ca mắc và 25.598 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, khu vực này đã có tổng cộng 716.073 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 35.323 ca tử vong vì dịch bệnh. Peru, Chile, Ecuador… lần lượt xếp sau Brazil về số ca mắc COVID-19 trong khu vực.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 126.452 ca mắc COVID-19, trong đó 3.710 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 25.937 trường hợp, trong đó 552 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 816 ca. Nước này cũng ghi nhận có 19.666 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tại châu Đại Dương, Australia là quốc gia dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 6 trường hợp mắc mới 1 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.139 ca, trong đó số ca tử vong là 103 trường hợp.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.504 ca, trong đó 21 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, New Zealand không ghi nhận trường hợp mắc mới và tử vong nào vì COVID-19.