Tại cuộc họp báo ngày 1-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, đại dịch COVID-19 vẫn là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” (PHEIC).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cách đây ba tháng, ông đã triệu tập Ủy ban Khẩn cấp của WHO và sau khi xem xét khuyến nghị của ủy ban này, ông đã ban bố PHEIC, mức cảnh báo cao nhất của WHO. Theo Điều lệ Y tế quốc tế, ông Ghebreyesus sẽ tái triệu tập Ủy ban Khẩn cấp trong vòng 90 ngày và có thể sớm hơn nếu cần thiết.
Ngày 30-4, ông Ghebreyesus tiếp tục triệu tập Ủy ban Khẩn cấp để đánh giá diễn biến của đại dịch và do đó Ủy ban Khẩn cấp có thể đưa ra lời khuyên phù hợp. Ủy ban này gồm các chuyên gia độc lập và chuyên gia quốc tế, đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới và toàn bộ các chuyên môn liên quan.
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Ghebreyesus thông báo, WHO sẽ tăng cường hợp tác với Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Thỏa thuận này gồm năm nội dung công việc chính, trong đó có hai nội dung liên quan trực tiếp đến COVID-19.
Thứ nhất, WHO và EIB sẽ phối hợp đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cơ bản và xây dựng hệ thống y tế có khả năng phục hồi. Theo WHO, cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy ngay cả những hệ thống y tế hiện đại nhất cũng phải chật vật ứng phó với đại dịch. WHO bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tiềm tàng mà SARS-CoV-2 có thể gây ra khi chủng virus mới này lây lan tại các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn. Cùng với EIB, WHO sẽ khẩn trương làm việc để đầu tư vào hạ tầng y tế và nhân viên y tế tại 10 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông.
Thứ hai, EIB và WHO đang khảo sát mức độ EIB có thể hỗ trợ Hệ thống chuỗi cung ứng COVID-19 để tạo điều kiện cho việc phân bổ thiết bị chẩn đoán, thiết bị bảo hộ cá nhân và vật tư y tế khác cho những nước cần những thiết bị này nhất.
Theo thống kê của Worldometers, châu Âu hiện là vùng dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với xấp xỉ 1,4 triệu ca bệnh và hơn 137.400 ca tử vong.