Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), binh sĩ nước này đang làm nhiệm vụ tại thị trấn biên giới Cheorwon đã nghe thấy tiếng súng vào khoảng 07h41 sáng (giờ địa phương) ngày 3/5 và ghi nhận 4 vết đạn trên tường của trạm gác trong khu phi quân sự (DMZ) giữa 2 miền Triều Tiên.
Phù hợp với quy tắc đáp trả, quân đội Hàn Quốc đã bắn trả tổng cộng 20 phát đạn, 10 phát mỗi lần, và phát cảnh báo trên sóng phát thanh. Phía Hàn Quốc không ghi nhận thiệt hại hay thương vong. Tuy nhiên, loạt đạn từ Triều Tiên dường như không có chủ ý, và hiện chưa rõ phía Triều Tiên có tổn thất gì hay không.
Theo JCS, "thời tiết tương đối sương mù và binh sĩ Triều Tiên thường thay ca vào khoảng thời gian đó", ngoài ra, Hàn Quốc không phát hiện bất kỳ động thái bất thường nào từ phía quân đội Triều Tiên.
"Chúng tôi đang thực hiện các hành động thông qua kênh liên lạc liên Triều để nắm tình hình chi tiết và ngăn chặn bất kỳ sự cố nào khác. Và chúng tôi cũng duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cần thiết", thông báo của JCS nhấn mạnh.
DMZ, cắt ngang bán đảo Triều Tiên, là một "vùng xanh khổng lồ" rộng 250 km từ Đông sang Tây và kéo dài 4 km từ Bắc xuống Nam. Quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc đều hiện diện ở đây với hàng chục nghìn binh sĩ ở cả hai bên.
Ngoài ra, nơi đây còn được trang bị dày đặc bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự. Ở phía Nam của DMZ là nơi quân Mỹ đồn trú.
Trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý biến DMZ thành một khu vực hòa bình bằng cách ngừng mọi hành động thù địch và loại bỏ các phương tiện như truyền phát qua loa phóng thanh và tờ rơi.
Năm 2019, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất chuyển DMZ thành khu vực hòa bình quốc tế với sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. Một khi hòa bình được thiết lập, chính phủ của ông sẽ hợp tác với Triều Tiên để DMZ trở thành Di sản Thế giới của UNESCO.
Hiện khu vực này đang có khoảng 380.000 quả mìn và dự kiến sẽ phải mất 15 năm để quân đội Hàn Quốc có thể tháo gỡ chúng.
Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong chiến tranh bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình./.