8 phút 46 giây ngày 25-5 cái đầu gối của viên cảnh sát da trắng Chauvin đã đè cổ người đàn ông da đen Floyd dẫn đến tử vong. Một hời gian sau, ngày14-6, cảnh sát lại bắn chết Brooks (27 tuổi) cũng là thanh niên da đen… Hành động của Chauvin lập tức được cập nhật bằng video clip, hình ảnh, những lời bình luận tạo hiệu ứng mạnh trên mạng truyền thông xã hội.
Những thông tin về vụ việc lan tỏa nhanh chóng không giới hạn ở Mỹ và toàn thế giới, làm cho nhiều người bất bình, phẫn nộ, dẫn đến hàng trăm cuộc biểu tình tự phát ở tất cả 50 tiểu bang nước Mỹ. Thậm chí, người biểu tình còn bao vây cả Nhà trắng, có những lúc Tổng thống Trump phải… chui xuống tầng hầm vì lý do bảo đảm an toàn.
Các hình ảnh thực tế hàng chục nghìn người da trắng, da màu tuần hành mang theo các biểu ngữ như: Tôi không thể thở… Đừng giết người da đen… Người da đen cũng là một sinh mạng… được cập nhật kịp thời trên mạng xã hội như đổ thêm dầu vào lửa làm cho các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng. Những người quá kích động đã đập phá hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu, đốt nhà, đốt ô tô… Hàng chục bức tượng tiền nhân người Mỹ liên quan đến buôn bán nô lệ da đen bị người biểu tình phá bỏ, bức tượng người tìm ra châu Mỹ Colombo ở Anh cũng bị kéo đổ ném xuống sông.
Các cuộc biểu tình làm hỗn loạn nhiều thành phố nước Mỹ và Tây Âu. Mạng lưới truyền thông xã hội đã vô tình góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống phân biệt chủng tộc vốn luôn âm ỉ trong xã hội Mỹ và nhiều nước khác. Bởi vậy, không chỉ ở Mỹ mà các cuộc biểu tình lan tỏa thành phong trào tại một loạt nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức và nước Otraylia xa xôi.
Rất nhiều bình luận của cư dân mạng cho rằng cảnh sát Mỹ thi hành công vụ một cách cực đoan, chuyên quyền. Họ dựa vào những điều khoản quy định của pháp luật về cái gọi là “quyền giết người chính đáng” nên quá lạm dụng, có thể bắn chết bất cứ ai là nghi phạm nếu không hợp tác, có biểu hiện chống đối, hoặc bỏ chạy không tuân theo hiệu lệnh của cảnh sát.
Theo khảo sát của Washington Post (nhật báo lớn nhất nước Mỹ), năm 2019, cảnh sát Mỹ đã bắn chết tổng cộng 1004 người. Trong đó đa số là người da màu, có hàng trăm nhân mạng đã bị chết mà không có kết luận công khai ai là tội phạm, ai chỉ là nghi phạm, ai là người bị bắn chết một cách oan trái…
Mặc dù luật pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm phân biệt chủng tộc, nhưng những định kiến về sắc tộc trong xã hội Mỹ chưa bao giờ chấm dứt, trong đó nhóm người da đen bị kỳ thị nhiều nhất. Vào các thế kỷ XVII-XVIII, người da đen châu Phi đã trở thành món hàng hóa với lợi nhuận béo bở cho người da trắng buôn bán nô lệ từ châu Phi xuyên Đại Tây Dương.
Người Mỹ vừa buôn nô lệ vừa sử dụng nô lệ để bóc lột sức lao động làm việc tại các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, vì thế tỷ lệ người da đen ở Mỹ cao hơn so với các sắc tộc người da màu khác. Ở Mỹ có 40 triệu người da đen gốc Phi, chiếm 13% dân số, các sắc tộc da vàng châu Á chiếm khoảng 10% dân số. Hoa Kỳ có trên 70% là người da trắng, thực chất họ cũng là con cháu của dân nhập cư từ Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức... Dân Mỹ bản địa là thổ dân da đỏ chỉ có khoảng 5 triệu người.
Các sắc tộc da màu có mức sống thấp hơn người da trắng, đặc biệt là người da đen có tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao hơn các sắc dân khác. Thực tế là có nhiều người gốc Phi “bần cùng sinh đạo tặc”, do đó người da đen ở Mỹ là nhóm có tỷ lệ tội phạm cao nhất và bị cảnh sát trấn áp nhiều nhất.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ ở Mỹ hiện nay là chống lại sự kỳ thị sắc tộc, phản đối hành động của viên cảnh sát da trắng đè chết người da đen. Những nguyên nhân gián tiếp làm cho các cuộc biểu tình thu hút nhiều người tham gia là sự việc đáng tiếc trên lại diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ đang rất bức xúc, người dân bất mãn với sự yếu kém của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID -19, gây ra hậu quả tồi tệ, thiệt hại quá lớn về nhân mạng (những người nghèo lại bị tổn thương và chết nhiều nhất), dịch bệnh làm cho khoảng 40 triệu người thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn…