Hàng nghìn người dân trên khắp nước Mỹ hôm 19/6 đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm lần thứ 155 Ngày chấm dứt chế độ nô lệ ở nước này.
Diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ trong những tuần vừa qua nhằm chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sách sau vụ cảnh sát bắt giữ và khiến công dân da màu George Floyd tử vong hôm 25-5 vừa qua.
Người dân đã tuần hành hòa bình khắp các ngả đường và hát vang “Không có công lý, không có hòa bình”. Nhiều người, đủ các sắc tộc, màu da cho biết năm nay là lần đầu tiên họ kỷ niệm Ngày chấm dứt chế độ nô lệ, bởi họ bỗng nhận ra vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn còn rất nặng nề sau cái chết của George Floyd.
Ngày chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ đánh dấu ngày 19/6/1865, khi Tướng Gordon Granger của quân đội Liên minh đến Galveston, Texas, và tuyên bố nô lệ được tự do. Đến năm 1964, Mỹ đã luật hóa việc nghiêm cấm kỳ thị dựa trên chủng tộc, nhưng người Mỹ gốc Phi vẫn chịu nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử cho đến tận những ngày này của thế kỷ XXI.
Bà Laurie Cumbo, một thành viên Hội đồng thành phố New York và cũng là một người da màu cho biết cảm thấy vừa vui vừa buồn vì cuối cùng Ngày chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ cũng được thừa nhận rộng rãi chứ không chỉ trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Bà Cumbo nói: "Cuộc tuần hành ngày hôm nay là lời nhắc nhở rằng vẫn còn rất nhiều việc phải lải để mang lại tự do cho tất cả người dân trên đất nước. Chúng tôi muốn có những quy định pháp lý mạnh mẽ để đảm bảo rằng không ai có thể bóp cổ chúng tôi đến chết. Đây không chỉ là về cải cách, mà là xóa bỏ tất cả những bất công mà người da màu phải đối mặt trên khắp đất nước này."
Ngày lễ kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ năm nay tới đúng vào lúc cả nước Mỹ vừa trải qua hai tuần biểu tình bạo loạn đẫm máu khiến giới chức các bang phải điều tra hàng loạt vụ cảnh sát đánh người biểu tình và người biểu tình đánh cảnh sát. Cũng trong ngày hôm qua, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án nạn phân biệt chủng tộc cũng như các hành vi bạo lực của cảnh sát. Dù không đề cập chi tiết tới Mỹ, song nghị quyết kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michele Bachelet chuẩn bị một báo cáo về “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hệ thống, vi phạm các luật quốc tế về nhân quyền chống người gốc Phi cũng như những người gốc Phi đã thiệt mạng do các lực lượng chấp pháp”.
Đại sứ Australia tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc Sally Mansfield nhấn mạnh: “Cái chết bi thảm của George Floyd đã buộc tất cả chúng ta phải suy ngẫm về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt và cần phải làm nhiều hơn để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Australia hoan nghênh sự thừa nhận rằng vấn đề này không phải là của bất kỳ một quốc gia nào, mà của tất cả chúng ta”.
Sáu mươi năm sau phong trào dân quyền, kỳ thị chủng tộc và tình trạng phân biệt vẫn là căn bệnh trầm kha của nước Mỹ. Tâm lý “da trắng thượng đẳng” còn tồn tại và cuộc sống của cộng đồng gốc Phi ở “xứ cờ hoa” chưa được cải thiện nhiều. Cái chết của công dân da màu Floyd như một hồi chuông thức tỉnh. Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo hồi đầu tuần đã ra sắc lệnh để Ngày chấm dứt chế độ nô lệ trở thành ngày nghỉ lễ của công chức làm việc cho tiểu bang để cuộc đấu tranh chống kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ không bao giờ bị lãng quên./.