Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 17-6 đã cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự Hội nghị trực tuyến Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga về COVID-19.
Trao đổi về tình hình dịch bệnh, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nga chia sẻ quan ngại trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19; đồng thời thông tin về kinh nghiệm ứng phó của các nước và khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên, kịp thời và minh bạch, trao đổi các thông tin dịch tễ, các mô hình dự báo, hướng dẫn kỹ thuật và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát, điều trị và ứng phó với COVID-19.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng ASEAN và Nga khẳng định cam kết mở rộng hợp tác nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh phù hợp với Quy định Y tế Quốc tế (2005). Các Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19 và kho dự trữ vật tư y tế khu vực, mong muốn Nga hỗ trợ góp phần đạt được mục tiêu chung thông qua huy động và sử dụng nguồn lực từ Quỹ Tài chính Đối tác Đối thoại ASEAN-Nga.
Đặc biệt, các Bộ trưởng hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác để sớm sản xuất thành công vaccine và thuốc điều trị, bảo đảm các nước được tiếp cận bình đẳng với vaccine. Các Bộ trưởng nhất trí hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân của nhau được hồi hương nếu có nhu cầu, đồng thời phối hợp bảo đảm an toàn cho công dân và sinh viên đang sinh sống, lao động và học tập ở các bên.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19. Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc và các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc trong phối hợp hành động chung ứng phó đại dịch. Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ASEAN và phối hợp sớm tìm ra vaccine và thuốc điều trị, đồng thời hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế cũng như mạng lưới chuyên gia y tế giữa hai bên để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.
Các nước cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực và nguồn lực chống dịch bệnh, cần duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật. Các nước khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ADMM+ và ARF.
Chia sẻ tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định nhiều ngày qua đã không ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng; các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai đạt được những kết quả tích cực trong phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang triển khai tiếp cận đồng thời trên hai hướng, một mặt ngăn chặn sự lây lan của virus, mặt khác thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các nước, trong đó có Nga, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị các quốc gia đặc biệt là ASEAN và Nga cần tăng cường hợp tác hơn nữa và tìm cách cùng tồn tại với rủi ro của dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung theo tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị Nga hợp tác nghiên cứu kiểm soát và điều trị các ca bệnh, quan tâm bảo đảm quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại Nga và đẩy mạnh hợp tác giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh một số định hướng hợp tác ASEAN - Nga trong ứng phó với những tình huống khẩn cấp về y tế, trong đó có: Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn, hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu và phát triển vaccine và thuốc điều trị virus; từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội về trạng thái bình thường và tăng trưởng bền vững; củng cố các cơ chế khu vực dựa trên luật lệ, mở và minh bạch, duy trì các cam kết đa phương, tăng cường đối thoại và hợp tác trong ứng phó những thách thức mới. Trong giai đoạn hiện nay, các nước cần nâng cao trách nhiệm trong duy trì môi trường hoà bình, ổn định và an ninh và tuân thủ luật pháp quốc tế.