Ngày 20-6, Viện Đông phương học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Diễn ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực này diễn biến phức tạp, hội thảo với tên gọi “Tranh chấp ở Biển Đông: những thách thức và hiểm họa” đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả đến từ các trường, viện nghiên cứu của Nga, cũng như sự chú ý đặc biệt của giới chuyên môn.
Hội thảo tập trung đề cập các quan điểm và góc nhìn khác nhau trong vấn đề Biển Đông và tình hình khu vực, bao gồm những căng thẳng xảy ra thời gian gần đây; Biển Đông từ góc độ pháp lý; ứng xử của các bên ở Biển Đông; vai trò của ASEAN, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Hội thảo nhận định rằng tình hình ở Biển Đông đang ngày càng trở nên căng thẳng, đòi hỏi nhanh chóng soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử của ở Biển Đông (COC), coi đây là yếu tố quan trọng, có tính rằng buộc pháp lý để điều chỉnh ứng xử của các bên tranh chấp. Các học giả cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc nếu tình hình ở khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, leo thang căng thẳng, có thể lôi kéo nhiều bên vào cuộc tranh chấp, làm cho tình hình càng phức tạp hơn, dẫn đến những thách thức và những hiểm hoạ khó lường.
Liên quan quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, Hội thảo nhấn mạnh đến chính sách nhất quán của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước của Liên hợp quốc về luật Biển.
Tại hội thảo, các học giả Nga đều nhất trí cho rằng, Việt Nam là một trong những yếu tố chính của hòa bình, ổn định và có đóng góp lớn cho duy trì hòa bình ở khu vực này. Việt Nam kiên quyết đường lối giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình. Chính sách của Việt Nam đã phát huy vai trò ASEAN là yếu tố quan trọng trên thế giới và với sự đồng lòng của ASEAN, sẽ mở ra cơ hội để Biển Đông được ổn định hơn và tình hình có thể kiểm soát tốt hơn. Việt Nam là nước luôn ủng hộ việc sớm hoàn thành và thực thi COC.
Ngoài ra, với chính sách đối ngoại đa phương, Việt Nam coi trọng hợp tác với các đối tác châu Á và nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Austraylia, Nhật Bản và Nga. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước có thể ảnh hưởng tích cực đến việc giảm bớt căng thẳng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Hội thảo đề cập chính sách không thay đổi, quan điểm trung lập của Nga liên quan đến tình hình ở Biển Đông. Nga kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trên cơ sở ngoại giao hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và thúc đẩy đàm phán, ký kết COC, tạo cơ sở để văn bản này có hiệu lực pháp lý. Quan điểm này đáp ứng đầy đủ lợi ích của tất cả các bên xung đột để giải quyết các vấn đề đang tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Hội thảo quốc tế Biển Đông do Viện Đông phương học tổ chức hai năm một lần, lần đầu tiên vào năm 2013, tuy nhiên vì lý do khách quan, hội thảo lần thứ tư vào năm 2019 đã lui đến năm nay. Tại ba hội thảo trước, lập trường của các bên đều mong muốn trong khi chờ đợi COC có hiệu lực pháp lý, các bên cần chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp, ngừng triển khai các thiết bị, phương tiện quân sự, và thực thi các hành động quân sự hóa khác khiến căng thẳng leo thang trong khu vực. Các bên liên quan nên bắt đầu ngay tiến trình xây dựng lòng tin, góp phần giữ gìn an ninh khu vực và môi trường biển, tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sớm thiết lập và thực thi COC có tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982.