Ngày 24-6, báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ước giảm 4,9% do ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo IMF, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 2020 sẽ sụt giảm nhiều hơn hơn đáng kể so với mức giảm 3% mà IMF đưa ra trong báo cáo trước đó hồi tháng 4. Theo đó, đây sẽ là đợt suy giảm hàng năm tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5,4% trong năm 2021.
Dự báo này được cho là phù hợp với các dự báo khác của Ngân hàng thế giới (World Bank). Theo đó, tổ chức này dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,2% trong năm 2020.
Bản báo cáo cập nhật của IMF nêu rõ, tác động kinh tế của dịch COVID-19 trầm trọng hơn các dự báo trước đó và khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại. Theo đó, có 2 kịch bản xảy ra, trong trường hợp xấu bùng phát đợt dịch mới vào đầu năm tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ dừng lại ở mức 0,5%. Ở kịch bản tươi sáng hơn, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng đạt mức 8,4% trong năm 2021.
Theo IMF, đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đếnng tiến bộ đạt nhữđược trong xóa đói giảm nghèo kể từ năm 1990. IMF cũng cho hay, quá trình phục hồi nền kinh tế sau lệnh phong tỏa vì COVID-19 đối với các nước nghèo sẽ lâu hơn so với các nước phát triển. Các chuyên gia IMF lo ngại dịch COVID-19 cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài trong thương mại, kinh doanh và việc làm. Theo báo cáo, thiệt hại là rất lớn và lan rộng hơn bất kỳ đợt suy thoái nào trong nhiều thập kỷ qua. Suy thoái tại các nền kinh tế lớn sẽ tăng gấp đôi mức mà họ từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Vào tháng trước, Nhà Kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết, triển vọng tăng trưởng toàn cầu tồi tệ hơn dự báo được đưa ra trước đó, đồng thời kêu gọi cần tiếp tục các hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài chính. Theo IMF, hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu người trên thế giới mất việc làm, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus. IMF cảnh báo: "Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tiêu cực hơn dự báo, và sự phục hồi sẽ chậm chạp hơn các dự báo trước đây".
Mỹ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020, thậm chí giảm sâu hơn so với dự báo trước đó khi nền kinh tế nước này sẽ giảm 5,9%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của nền kinh tế nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Bên cạnh đó, Mexico sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế tới 10,5%, mức tăng trưởng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là âm 10,2% với GDP của Đức giảm 7,8%, Pháp giảm 12,5%, Italy giảm 12,8%. Trong đó, IMF cũng dự báo tăng trưởng Brazil sẽ giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 5,8%... Trung Quốc là quốc gia duy nhất được dự báo đạt tăng trưởng 1%, trong khi dự báo được đưa ra hồi tháng 4 trước đó cho thấy, GDP nước này giảm 1,2%.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cũng cho hay, đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế bị đóng băng và là cú sốc lớn đối với thị trường lao động toàn cầu. Tổ chức này dự báo, số lao động thất nghiệp trên toàn cầu (lao động toàn thời gian) có thể tăng tới 300 triệu trong quý II/2020.
IMF kêu gọi các nước tiếp tục duy trì những biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn với dịch COVID-19, qua đó giúp giải quyết vấn đề thị trường việc làm./.