Kenya trúng cử chiếc ghế cuối cùng ủy viên không thường trực HĐBA

19:11, 19/06/2020

Ngày 18-6, Kenya đã trúng cử chiếc ghế thứ 5, đồng thời cũng là suất cuối cùng, trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2021-2022 sau vòng hai với số phiếu 129/192.

Trước đó, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức bỏ phiếu kín để bầu 5 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2021-2022, 18 thành viên Hội đồng kinh tế-xã hội LHQ nhiệm kỳ 2021-2023 và Chủ tịch khóa 75 Đại hội đồng LHQ.

Kết quả, Ấn Độ, Mexico, Na Uy và Ireland trúng cử ngay từ vòng đầu vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2021-2022, trong đó Mexico đạt số phiếu cao nhất 187/192 phiếu. Riêng với ghế của nhóm châu Phi, Đại hội đồng LHQ phải bỏ phiếu vòng hai do cả 2 ứng cử viên là Djibouti và Kenya đều không đạt số phiếu tối thiểu là 128 phiếu.

Theo quy định, 5 nước trúng cử sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an kể từ ngày 1/1/2021, thay thế cho 5 nước hết nhiệm kỳ là Bỉ, Dominicana, Đức, Indonesia và Nam Phi.

Năm nước được bầu vào Hội đồng Bảo an năm ngoái là Estonia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiệm kỳ đến hết năm 2021.

Hội đồng kinh tế-xã hội LHQ nhiệm kỳ 2021-2023 có các thành viên mới là Solomon Islands, Indonesia, Nhật Bản, Nigeria, Liberia, Madagascar, Libya, Zimbabwe, Bulgaria, Argentina, Guatemala, Mexico, Bolivia, Bồ Đào Nha, Pháp, Áo, Đức, Anh.

Ông Volkan Bozkir, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trúng cử Chủ tịch khóa 75 Đại hội đồng LHQ với 178/189 phiếu.

Đây là lần đầu tiên sau 3 tháng đóng cửa, Đại hội đồng LHQ đã mở trụ sở để các nước thành viên đến bỏ phiếu, trong bối cảnh thành phố New York chưa dỡ bỏ các hạn chế để kiểm soát COVID-19.

Việc bỏ phiếu năm nay diễn ra trong các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe của các đại biểu. Mỗi nước chỉ cử 1 đại diện đến bỏ phiếu, theo từng khung giờ cố định cho mỗi nhóm nước và bỏ phiếu cùng lúc cho cả 3 cơ quan, thay vì vào 3 ngày khác nhau như trước đây.

Việc LHQ tổ chức thành công các cuộc bầu cử này thể hiện sự đề cao chủ nghĩa đa phương, góp phần duy trì hiệu quả hoạt động và tính thích ứng cao của LHQ trước các thách thức hiện nay.