Sau 4 ngày làm việc căng thẳng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng loại bỏ bất đồng để tìm tiếng nói chung về Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro và khoản ngân sách lớn chưa từng có lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) giai đoạn 2021-2027.
Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tại Brussels (Bỉ) là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Sự kiện được đánh giá là một trong những hội nghị quan trọng nhất với EU trong nhiều thập kỷ qua, vì đây là thời điểm mà châu Âu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Đại dịch COVID-19 đã và đang đẩy các nước Lục địa già vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Từng được kỳ vọng chỉ trong hai ngày diễn ra hội nghị (17 và 18-7), Liên minh châu Âu sẽ tìm được tiếng nói chung về khoản ngân sách mới trong 7 năm tới và Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro. Tuy nhiên, việc các nước Bắc Âu và Tây Âu bất đồng với Nam Âu xung quanh khoản ngân sách của khối đã khiến các nhà lãnh đạo EU phải kéo dài thời gian cuộc họp thêm hai ngày (19 và 20-7), trở thành một trong những kỳ hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất trong lịch sử liên minh.
Theo đề xuất ban đầu, EU sẽ chi 750 tỷ euro, trong đó phần lớn là vốn trợ cấp không hoàn lại và số còn lại được giải ngân theo hình thức cho vay. Trong khi Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ thì một số nước Bắc Âu lại phản đối. Cụ thể, nhóm 4 nước gồm: Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển không đồng thuận với cơ chế phân bổ gói 750 tỷ euro này. Bởi, trong 750 tỷ euro đó chỉ có 250 tỷ euro cho vay dưới dạng lãi suất thấp, số tiền còn lại (500 tỷ euro) là dưới dạng trợ cấp. Nhóm phản đối cho rằng, phần trợ cấp này là quá lớn và nhiều nước Nam Âu (Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp…) sẽ đặc biệt được hưởng lợi nên cần phải điều chỉnh lại, giảm bớt phần trợ cấp, tăng thêm phần vay trả nợ.
Ngoài ra, nhóm phản đối cũng yêu cầu việc phân bổ nguồn tiền phải đi kèm với nghĩa vụ giải trình minh bạch, nghĩa là các nước được nhận vốn phải nói rõ xem dùng nguồn tiền đó làm gì. Điều này lại bị các nước Nam Âu phản ứng vì họ xem yêu cầu đó là một sự xúc phạm, đồng thời cho rằng những “điều kiện kèm theo” các khoản hỗ trợ này quá ngặt nghèo. Cuối cùng, đó là các bất đồng về việc gắn sự phân bổ tiền phục hồi kinh tế với nghĩa vụ bảo đảm các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền. Điều kiện này được xem là nhắm vào các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ trị giá 390 tỷ euro (thay vì 500 tỷ euro như đề xuất ban đầu) đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho các nước Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan. Cuối cùng, đề xuất này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 140.000 công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay. Do đó, việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa mái nhà chung châu Âu.
Quan trọng hơn, hội nghị lần này chính là “phép thử” về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các thành viên trong liên minh. Bởi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa qua, nội bộ EU đã bị rạn nứt nghiêm trọng. Và chỉ có đoàn kết mới giúp Liên minh châu Âu vượt qua sóng gió, tìm tiếng nói chung để trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn.