Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản (trong chiến tranh thế giới thứ hai) với sự tàn phá kinh hoàng. Từ đó đến nay, vũ khí hạt nhân luôn trở thành nỗi ám ảnh, nếu chiến tranh thế giới lần thứ ba xảy ra và các cường quốc tham chiến đều sử dụng vũ khí hạt nhân thì mọi sự sống trên trái đất sẽ bị hủy diệt.
Nhà bác học thiên tài người Đức Anhxtanh (1879-1955) đã từng nói: “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ ba sẽ sử dụng loại vũ khí nào, nhưng tôi biết rằng nếu chiến tranh thế giới thứ tư xảy ra vũ khí sẽ là gậy gộc và đá”.
Câu nói lấp lửng của Anhxtanh chứa đựng ẩn ý là sau đại chiến thế giới bằng vũ khí nguyên tử thì mọi sự sống sẽ bị diệt vong. Nếu sau đó hàng triệu năm, con người xuất hiện trở lại thì cũng phải phát triển theo tiến trình từ thấp đến cao, từ nguyên thủy đến hiện đại, chiến tranh thế giới thứ tư sẽ dùng các loại vũ khí sơ khai của người nguyên thủy đó là gậy gộc và đá.
Cuối tháng 6-2020, Mỹ và Nga bắt đầu khởi động các vòng đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân để ký một Hiệp ước mới khi Hiệp ước cũ đã ký năm 2010 về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (hạt nhân) sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. Đây là Hiệp ước về hạt nhân song Mỹ và Nga duy nhất còn có giá trị. Vì mới đây, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước cấm thử tên lửa hành trình, đạn đạo hạt nhân có tầm bắn từ 500km đến 5.000km, Nga và Mỹ ký năm 1987.
Phía Mỹ muốn ký một Hiệp ước đa phương thay cho Hiệp ước song phương chỉ có Mỹ và Nga, vì Mỹ cho rằng phải đưa Trung Quốc vào tham gia ký kết, vì hiện nay nước này đang đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Phía Nga yêu cầu nếu đưa Trung Quốc cùng ngồi vào bàn đàm phán thì cũng phải đưa Anh, Pháp tham gia Hiệp ước vì đều là các cường quốc hạt nhân.
Trước sức ép của Mỹ, NATO bành trướng, mở rộng thành viên áp sát biên giới, đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh mang tính răn đe, đó là Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân trong trường hợp đối diện với khả năng bị tấn công phi hạt nhân, đe dọa sự tồn vong đất nước (ai tấn công Nga bằng vũ khí thông thường sẽ bị đáp trả bằng vũ khí hạt nhân).
Năm 1961, Liên Xô thử thành công 1 quả bom mạnh nhất, lấy tên “ Sa Hoàng” với đương lượng nổ 50 megaton, sức công phá gấp 3 nghìn lần hai quả bom Mỹ ném xuống T.P Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Khi bom nổ tạo thành quả cầu lửa có chiều rộng, độ cao hàng chục ki lô mét. Dù ở cách xa hàng nghìn ki lô mét vẫn nhìn thấy ánh sáng bom nổ, mọi vật trong bán kính gần nghìn ki lô mét đều bị phá hủy, quả bom tạo một “cột nấm” mây bụi cao hơn 70km, rộng hàng trăm ki lô mét.
Chính những người nghiên cứu chế tạo ra loại vũ khí này cũng không thể tưởng tượng được sức tàn phá khủng khiếp, thảm khốc như vậy. Bom nguyên tử nổ sẽ tạo ra sóng kích động, bức xạ xuyên, bức xạ quang làm cho mọi vật nằm trong tầm ảnh hưởng như nhà cửa, công trình đều đổ nát. Đặc biệt là bụi phóng xạ sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến sự sống con người và muôn loài động, thực vật.
Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc ban hành năm 1968, có hiệu lực năm 1970, với trên 100 nước ký kết. Nhưng điều nghịch lý là các quốc gia đang sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt lại không ký như Mỹ, Anh, Pháp. Triều Tiên đã ký nhưng đến 2003 rút khỏi Hiệp ước với lý do nước này đang ở vào tình thế nguy hiểm, an ninh quốc gia bị đe dọa, do chính sách thù địch của Mỹ. Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe hoặc trả đũa khi bị tấn công.
Năm 2017, Liên hợp quốc lại tiếp tục bàn thảo để xây dựng một Hiệp ước mới về cấm vũ khí hạt nhân, tuy nhiên lần này cũng vậy, các cường quốc vũ khí hạt nhân cũng không hưởng ứng tham gia. Như vậy nếu một số cường quốc đang sở hữu vũ khí nguyên tử đứng ngoài cuộc, thì dẫu có ban hành Hiệp ước cũng ít có giá trị thực tế.
Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển), hiện nay có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân: Nga 6.850 đầu đạn, Mỹ 4.650, Pháp 300, Trung Quốc 280, Anh 215, Pakistan 150, Ấn Độ 140, Israel 80, Triều Tiên khoảng 30 đến 40 đầu đạn…
Năm 1987 Tổng thống Mỹ Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev đã ký Hiệp ước song phương cấm thử tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hạt nhân có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Sau khi ông Trump lên làm Tổng thống, ông tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước này, động thái đó báo hiệu một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa Nga, Mỹ và các nước khác.
Mặc dù có Hiệp ước của Liên hợp quốc cấm, nhưng các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn bí mật hoặc công khai cải tiến, nâng cao tính chính xác, sức công phá, nâng cấp các phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân (bệ phóng cố định, di động trên đất liền, trên không, dưới biển).