Cu-ba: Tuy nghèo nhưng giàu lòng nhân ái

09:20, 15/08/2020

Từ trước đến nay, Cu-ba đã cử khoảng 130 nghìn chuyên gia, bác sĩ, y tá đến 124 nước để trợ giúp khám, chữa bệnh, ngoài ra còn cung cấp thuốc và vật tư y tế giúp rất nhiều nước. Những người thầy thuốc Cu-ba ra nước ngoài hầu hết theo tinh thần tự nguyện, phần còn lại là họ thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế. Họ đến bất cứ nơi nào, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Phi, Mỹ la tinh.

Hiện nay đang có hàng nghìn bác sĩ Cu-ba có mặt tại 20 nước để giúp ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Ngay sau khi Italia trở thành tâm dịch ở châu Âu, Cu-ba đã cử một đoàn 50 thầy thuốc đến giúp đỡ, mới đây nhất Cu-ba cử một đoàn sang hỗ trợ Việt Nam chống dịch.

Đảo quốc này bị Mỹ và Phương Tây cấm vận từ năm 1962. Sau khi Liên Xô sụp đổ, không còn các nguồn viện trợ từ phe xã hội chủ nghĩa làm cho Cu-ba lại càng khó khăn hơn. Năm 2014, quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ và Cu-ba được cải thiện. Tổng thống Mỹ Obama đã đi thăm Cu-ba và đưa ra quyết định lịch sử, đó là thực hiện chính sách cởi mở, bình thường hóa quan hệ, tiến tới bãi bỏ lệnh phong tỏa kinh tế, ngoại giao đối với Cu-ba.

Sau khi ông Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ, trong hai năm 2016-2017, nguồn vốn nước ngoài FDI đầu tư trực tiếp vào Cu-ba đạt kỷ lục với khoảng 2 tỷ USD. Giai đoạn này, trung bình mỗi năm, Cu-ba thu hút 250 nghìn khách du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch hàng năm đem lại một nguồn thu ngoại tệ quan trọng và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân Cu-ba.

Tuy nhiên đến năm 2019, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump lại siết cấm vận, không cho công dân Mỹ đi du lịch Cu-ba, cấm kiều dân Cu-ba gửi ngoại tệ về nước... Lý do mà Chính quyền Mỹ tiếp tục cấm vận kinh tế là họ cáo buộc Cu-ba vi phạm nhân quyền, trợ giúp Tổng thống Venezuela Maduro (Mỹ tìm mọi cách lật đổ ông Maduro, Venezuela đang bị cấm vận gắt gao).

Hiện nay, Cu-ba đang đối mặt với những khó khăn chồng chất về kinh tế do Mỹ siết lại cấm vận. Các đối tác thương mại truyền thống như Canada, Trung Quốc, Venezuela, Hà Lan, Tây Ban Nha, Brazin rơi vào tình trạng kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quốc gia có quan hệ đặc biệt, đối tác lớn nhất của Cu-ba là Venezuela lại lún sâu vào khủng hoảng. Mỗi năm Cu-ba nhập khẩu từ Venezuela chiếm khoảng 35%, xuất khẩu sang thị trường này chiếm khoảng 14% trong tổng kim ngạch thương mại cả nước.

Ngoài các yếu tố khách quan trên, kinh tế Cu-ba kém phát triển còn có nguyên nhân nội tại đó là việc chuyển đổi cơ chế quản lý chậm, nền kinh tế vẫn mang tính kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể. Mặc dù trong những năm qua, Cu-ba đã có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhưng tỷ trọng, đóng góp của lĩnh vực kinh tế tư nhân không đáng kể.

Mặc dù còn nghèo nhưng Cu-ba là một trong những quốc gia có chính sách rất ưu việt đối với nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến an sinh xã hội. Các lĩnh vực giáo dục, y tế vẫn được nhà nước bao cấp, trẻ em đi học không mất tiền, chi phí khám, chữa bệnh cho nhân dân do ngân sách nhà nước chi trả.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Cu-ba nằm trong những nước có hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe rất tốt. Tỷ lệ bác sĩ trên dân số (9 bác sĩ/1000 dân) cao nhất toàn cầu.Tuổi thọ trung bình là 78, thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.

Nếu không có sự cấm vận và nếu việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đúng hướng thì Cu-ba sẽ bứt phá rất nhanh vì nước này có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch…

Cu-ba rất giàu tài nguyên, khoáng sản như Nikel (trữ lượng đứng thứ 4 thế giới), đồng, sắt, dầu lửa, có đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, thích hợp với các loại cây trồng như mía, cà phê, thuốc lá… Quốc đảo này còn được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp, hoang sơ là điểm đến yêu thích của du khách bốn phương.