Chiều 11/8, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì.
Trước đại dịch COVID-19, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã tập trung giải quyết gánh nặng hành chính như một biện pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp đã được đưa ra chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 đã đặt ra vấn đề làm thế nào để cơ chế, chính sách, quy định hành chính nặng nề không còn là rào cản đối với nỗ lực của Chính phủ.
Phiên họp lần thứ nhất của Hội nghị ASEAN-OECD GRPN lần thứ 6 với chủ đề “Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn” sẽ là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á tìm hiểu về các quan điểm cắt giảm gánh nặng, hướng tới các quy định tốt hơn cũng như thảo luận để tìm ra các giải pháp cải thiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội vừa chống dịch, bảo vệ xã hội.
Hội nghị sẽ có sự tham dự của đại diện chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN, OECD, các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Hội nghị sẽ được phát trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Fanpage Thông tin Chính phủ.
Tại đây, dự kiến đoàn Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm cải cách quy định và thủ tục hành chính trước và trong quá trình phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam
OECD là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong các chính sách phát triển. OECD hiện có 34 thành viên, gồm các nước: Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungaria, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, CH Czech, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Italy, Canada, Mỹ, Mexico, Chile, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, New Zealand, Australia.