Số liệu Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 25/8 cho biết, nền kinh tế nước này đã suy giảm kỷ lục ở mức 9,7% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang gây ra những tác động tiêu cực đến tiêu dùng, xuất khẩu cũng như đầu tư.
Cơ quan này đánh giá khủng hoảng kinh tế Đức ở thời điểm này còn trầm trọng hơn khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008 – 2009. Đây cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại Đức kể từ năm 1970.
Theo Destatis, nền kinh tế Đức đã giảm 4,7% trong quý I/2009. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2020 cũng đã giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Destatis cho rằng chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình suy yếu, xuất khẩu giảm và đầu tư vào các tài sản cố định như máy móc và thiết bị sụt giảm nghiêm trọng là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Đức suy giảm trong quý II/2020. Theo báo cáo, tiêu dùng hộ gia đình giảm 10,9% và đầu tư máy móc thiết bị giảm 19,6% trong quý II/2020.
Bên cạnh đó, cũng trong quý này, sản lượng xuất và nhập khẩu lần lượt giảm 20,3% và 16%, trong khi tổng kim ngạch thương mại giảm 3,4%. Tuy nhiên, chi tiêu công trong quý II tăng 1,5% nhờ các chương trình ứng phó của Chính phủ đối với đại dịch COVID-19, trong khi hoạt động xây dựng, lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Đức giảm 4,2%.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 4 thế giới đã giảm 2% trong quý I/2020. Ngoài ra, dữ liệu thống kê của Destatis cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường lao động Đức trong quý II/2020. Tổng số việc làm tại Đức cũng đã giảm 1,3% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Destatis, thâm hụt ngân sách của Đức trong 6 tháng đầu năm lên tới 51,6 tỷ EUR (60,9 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020, tương đương 3,2% GDP tính theo tiêu chuẩn Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, Ủy ban EU dự đoán nền kinh tế EU sẽ giảm 7,4% và nền kinh tế Đức sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc nhà nước tăng mức chi tiêu đã góp phần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Chính phủ Đức dự đoán GDP nước này sẽ phục hồi trở lại ở mức 5,2% vào năm 2021.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, trong năm tới, Đức sẽ tiếp tục tạm dừng thanh toán nợ và dành lượng lớn tiền cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân và ổn định nền kinh tế. Berlin dự định vay khoảng 218 tỷ EUR (258 tỷ USD) trong năm nay để có nguồn tài chính cho gói cứu trợ quy mô lớn nhằm đưa nền kinh tế Đức vượt qua giai đoạn suy giảm do dịch COVID-19./.