Ngày 4/8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự gián đoạn giáo dục lớn nhất trong lịch sử và việc các trường học bị đóng cửa kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu trong việc tiếp cận học tập, qua đó, đề cao tính cần thiết của những "bước đi táo bạo" nhằm giải quyết vấn đề này.
Trong bài phát biểu phát động chiến dịch mang tên "Hãy cứu tương lai của chúng ta", ông Guterres miêu tả giáo dục là chìa khóa đối với sự phát triển cá nhân và tương lai của xã hội. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng không bền vững, thì giáo dục - vốn được ông ví là “một bộ cân bằng hoàn hảo” lại đóng vai trò cần thiết hơn bao giờ hết.
Qua đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước cần thực hiện các bước đi táo bạo, nhằm tạo ra các hệ thống giáo dục toàn diện, tự cường, chất lượng thích ứng với tương lai.
Theo số liệu thống kê do Liên Hợp Quốc vừa công bố, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh trên toàn thế giới. Ngay cả khi chính phủ các nước đã nỗ lực để khiến việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian xảy ra khủng hoảng, gồm cả việc dạy học qua hình thức phát thanh, truyền hình hay trực tuyến, thì nhiều học sinh vẫn không được tiếp cận với các hình thức giáo dục này. Trong đó, những người khuyết tật, thành viên trong các cộng đồng thiểu số hay yếu thế, người tị nạn và những người bị mất nhà cửa lại dễ có nguy cơ bị “bỏ lại phía sau”.
Ông Guterres cảnh báo, ngay cả những học sinh có thể tiếp cận với hình thức dạy học từ xa cũng gặp phải nhiều thách thức, trong đó có sự chi phối của điều kiện sống đối với khả năng tiếp cận giáo dục và sự chia sẻ bình đẳng công việc. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về giáo dục, khi có tới hơn 250 triệu trẻ em không được tới trường và chỉ 25% số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản.
Kết quả một nghiên cứu vắn tắt do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến ít nhất 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bỏ lỡ cơ hội tham gia giáo dục mầm non trong giai đoạn phát triển quan trọng đối với các em.
Một số khuyến nghị đẩy mạnh giáo dục
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc học tập của hơn 1 tỷ học sinh trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Trong bài phát biểu phát đi theo hình thức trực tuyến, ngày 4/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, vào thời điểm hiện tại, chúng ta đang gặp phải một thảm họa thế hệ, có thể lãng phí tiềm năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu. Một khi các nước kiểm soát được đại dịch COVID-19, việc đưa học sinh quay trở lại trường học cũng như các cơ sở học tập một cách an toàn nhất có thể sẽ phải là ưu tiên hàng đầu. Tham khảo ý kiến các phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên và những người trẻ tuổi là yếu tố cơ bản.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, trong bối cảnh các nước thu nhập thấp và trung bình vốn đã phải đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách thường niên ở mức 1,5 nghìn tỷ USD trong lĩnh vực giáo dục từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. “Ngân sách cho giáo dục cần được bảo toàn và tăng cường” – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vai trò của giáo dục chính là “trái tim” của những nỗ lực đoàn kết quốc tế, trong đó có việc quản lý nợ, các gói kích thích trong nỗ lực ứng phó nhân đạo toàn cầu và hỗ trợ phát triển chính thức, ông Guterres khẳng định: “Các sáng kiến giáo dục phải tiếp cận tới những người có nguy cơ cao nhất bị tụt lại phía sau”.
Khuyến nghị cuối cùng mà ông Guterres đề cập tới là tạo ra “cơ hội thế hệ” giúp thúc đẩy quyền tiếp cận của tất cả trẻ em đối với giáo dục chất lượng, phù hợp với Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). 17 mục tiêu được đề cập tới trong SDGs đã mở ra lối đi tới một tương lai bền vững hơn, mang lại lợi ích cho cả thế giới. “Để đạt được điều này, chúng ta cần đầu tư cho kiến thức kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng, một tiến trình phát triển theo hướng học cách học, trẻ hóa việc học tập suốt đời, tăng cường liên kết giữa giáo dục chính quy và không chính quy” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói./.