Đến sáng sớm 14/8, thế giới có tổng số 21.030.489 ca nhiễm và 75.775 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 232.935 và 5.369 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 10/8, đã có 13.830.153 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.448.529 ca bệnh đang điều trị, có 6.383.947 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 64.582 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoàn hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 64.142 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil và Mỹ với lần lượt là 54.402 và 44.100 ca. Tuy nhiên, Brazil mới là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng vọt lên 1.200 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.
Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 53.062 ca nhiễm COVID-19 và 1.725 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 6.360.997 và 242.008 ca. Với 5.404.402 ca nhiễm và 170.051 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau đó là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 498.380 và 121.028 ca nhiễm, cùng 54.666 và 9.012 ca tử vong vì COVID-19.
Với 5.391.351 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 14/8, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 115.630 ca đã tử vong do COVID-19 và 4.114.462 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 2.459.613 ; 336.324 và 294.519 ca. Trong bối cảnh đó, công ty dược phẩm Zydus Cadila của Ấn Độ thông báo chính thức tung ra thị trường nội địa loại thuốc tiêm kháng virus Remdesivir ở dạng bột đông khô để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thể nặng. Loại thuốc này có giá 37,4 USD/1 lọ có hàm lượng 100mg.
Tương tự, công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cũng thông báo công ty công nghệ sinh học SK bioscience của Hàn Quốc sẽ sản xuất một thành phần của vaccine NVX-CoV2373 ngừa COVID-19 do Novavax phát triển và đang thử nghiệm lâm sàng. Hai công ty cho biết đã ký ý định thư với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để cung ứng vaccine này tại thị trường Hàn Quốc. SK bioscience sẽ bắt đầu sản xuất kháng nguyên của vaccine trên tại cơ sở ở Hàn Quốc trong tháng này. Tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản cũng thông báo sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chống cúm Avigan vào tháng 9 tới. Loại thuốc này được xem là một ứng cử viên tiềm năng trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 59.292 ca nhiễm và 1.420 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 5.038.231 ca và 166.884 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 54.402 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 3.224.876 vào thời điểm hiện tại. Với 1.200 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru và Colombia – hai nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai và thứ ba khu vực (498.555 và 422.519 ca) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 3.127.312 ca, trong đó có 202.168 ca tử vong và 1.872.270 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 20.856 ca nhiễm và 360 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 907.758; 379.799 và 313.798 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.347 ca, sau khi có thêm 18 ca trong 24 giờ qua. Viện Paul Ehrlich (PEI) - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép vaccine ở Đức, cho biết chỉ có thể có vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Chủ tịch PEI Klaus Cichutek nêu rõ: "Tôi cho rằng việc cấp phép (tiêm vaccine) sẽ vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm tới với điều kiện giai đoạn 3 trong tiến trình điều chế có kết quả tích cực".
Tính đến sáng 14/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.087.453 ca, trong đó có 24.683 ca tử vong và 781.691 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 572.865 ca nhiễm và 11.270 ca tử vong. Tiếp theo đó là Ai Cập và Nigeria, với lần lượt 95.963 và 47.743 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hai quốc gia này đều không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua, trong khi Nam Phi có tới 3.946 ca nhiễm mới và 260 ca tử vong ở cùng thời gian này.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 24.424 ca nhiễm (tăng 242 ca) và 387 ca tử vong (tăng 9 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 231 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 22.358 ca, trong đó 361 ca tử vong (tăng 9 ca).
Trong bối cảnh rất nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 13/8 cho biết khoảng 43% trường học trên toàn thế giới bước vào đại dịch COVID-19 thiếu các điều kiện rửa tay bằng nước và xà phòng cơ bản và có khoảng 818 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ bị mắc COVID-19 và các bệnh lây nhiễm khác.
Báo cáo chung của WHO và UNICEF nhấn mạnh trong số 818 triệu trẻ em trên toàn thế giới thì có 355 triệu trẻ em đến trường học có nước rửa tay nhưng không có xà phòng, số còn lại không có các điều kiện hoặc nước để rửa tay. Tại 60 quốc gia có nguy cơ cao nhất diễn ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và y tế do COVID-19 thì có 3/4 trẻ em thiếu các điều kiện rửa tay cơ bản tại trường học kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Tại các nước kém phát triển nhất, 7/10 trường học thiếu các điều kiện rửa tay cơ bản.
Theo Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore, “việc đóng cửa các trường học trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu đã tạo ra thách thức chưa từng có đối với giáo dục và quyền lợi của trẻ em. Chúng ta phải ưu tiên việc học của trẻ em. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo các trường học an toàn để mở cửa trở lại, bao gồm cả việc tiếp cận với vệ sinh tay, nước uống sạch và điều kiện vệ sinh an toàn”. Còn Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì nhấn mạnh: “Tiếp cận với ước, vệ sinh và điều kiện vệ sinh là điều cần thiết để ngăn ngừa và kiểm soát việc lây nhiễm hiệu quả ở tất cả các cơ sở, bao gồm cả các trường học. Đây phải là trọng tâm trong chiến lược của chính phủ các nước nhằm mở cửa trường học trở lại an toàn và đảm bảo hoạt động của các trường học trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra toàn cầu”./.