Đến sáng 7/9, thế giới có tổng số 27.264.075 ca nhiễm và 886.964 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 211.944 và 3.788 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 7/9, đã có 19.351.449 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.025.662 ca bệnh đang điều trị, có 6.965.433 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 60.229 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 91.723 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (27.225 ca) và Brazil (14.521 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong 1 ngày qua với 1.008 ca, sau đó là Brazil (420 ca) và Ấn Độ (382 ca). Theo số liệu của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), trong vài tuần gần đây, Ấn Độ tập trung mở rộng xét nghiệm, dẫn tới số ca mắc mới hàng ngày tăng mạnh. Tính đến hết ngày 5/9, nước này đã thực hiện 48.831.145 xét nghiệm, trong đó riêng ngày 5/9 có 1.092.654 xét nghiệm.
Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 35.282 ca nhiễm COVID-19 và 899 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 7.661.574 và 280.374 ca. Với 6.456.365 ca nhiễm và 193.200 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 629,409 và 131.858 ca nhiễm, cùng 67.326 và 9.145 ca tử vong vì COVID-19.
Với 7.757.326 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 7/9, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 152.119 ca đã tử vong do COVID-19 và 6.252.365 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Bangladesh với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 4.202.562; 386.658 và 325.157 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 71.687; 22.293 và 4.479 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 26.456 ca nhiễm và 849 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 6.712.298 ca và 212.340 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 14.521 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 4.137.521 vào thời điểm hiện tại. Với 849 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 256 ca tử vong mới, trong khi Peru không ghi nhận thêm ca mắc và tử vong mới nào.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 3.798.001 ca, trong đó có 209.975 ca tử vong và 2.160.051 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 26.118 ca nhiễm và 197 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 1.025.505; 517.133 và 347.152 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.551 ca, sau khi có thêm 2 ca trong 24 giờ qua.
Tính đến sáng 7/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.304.865 ca, trong đó có 31.357 ca tử vong và 1.040.356 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 638.517 ca nhiễm và 14.889 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.633 ca nhiễm mới và 110 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Ai Cập và Morocco, với tổng số lần lượt 99.863 và 72.394 ca nhiễm bệnh.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 29.290 ca nhiễm (tăng 77 ca) và 784 ca tử vong (tăng 5 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 72 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 26.279 ca, trong đó 753 ca tử vong (tăng 5 ca).
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới mới đây một lần nữa cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 sẽ chưa thể chấm dứt cho đến khi thế giới phát triển được vaccine phòng ngừa. Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Margaret Harris cho biết: “Liên quan tới thời gian thực tế, chúng tôi cho rằng việc tiêm phòng vacine phòng COVID-19 trên diện rộng sẽ khó có thể thực hiện trong nửa đầu năm sau. Bởi giai đoạn thứ 3 luôn cần nhiều thời gian hơn. Bạn sẽ phải đánh giá mức độ bảo vệ của vaccine hay mức độ an toàn. Chúng ta cần phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn ở tất cả các giai đoạn”./.