Đức - Nga: Thuận trong kinh tế, trắc trở về ngoại giao

09:50, 20/09/2020

(TN) - So với các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đức có quan hệ kinh tế gắn bó hơn đối với Nga. Trong những năm gần đây, thương mại hai chiều đạt giá trị bình quân khoảng 60- 65 tỷ USD/năm. Đức có trên 5 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào làm ăn ở Nga với nguồn vốn hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên quan hệ ngoại giao giữa hai nước thường xuyên gặp trắc trở.

Họ là đối tác kinh tế song lại dị biệt về chính trị, vì Nga và Đức ở hai thái cực khác nhau. Đức là trụ cột EU, thành viên NATO, lại là đồng minh của Mỹ nên không cùng chiến tuyến với Nga. Rất nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và Tây Âu nhằm vào Nga có thể Đức không đồng thuận nhưng cũng phải chấp nhận thực hiện.

Mới đây nhất là Đức lại làm cho Nga khó chịu vì đã tình nguyện đón ông Navalny (nhà đối lập chống Chính quyền Tổng thống Putin) đến Đức chữa bệnh. Đã thế, phía Đức còn loan báo ông Navalny bị hôn mê là do bị đầu độc. Đức yêu cầu Nga phải công khai, minh bạch điều tra làm rõ vụ việc. Phía Nga bác bỏ sự cáo buộc của Đức và khẳng định trong thời gian ông Navalny điều trị ở Nga, qua xét nghiệm không có dấu hiệu nào cho thấy bị đầu độc.

Nước Nga có trữ lượng 38 nghìn tỷ m3 khí đốt, chiếm khoảng 20% trữ lượng toàn cầu. Đức là quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, lượng khí hóa lỏng nhập từ Nga chiếm trên 40% tổng lượng nhập khẩu. Dự báo đến 2025, lượng khí đốt nhập của Nga sẽ chiếm khoảng 50% thị phần ở Đức.

Đức là nước thiếu nguồn dầu khí tự nhiên, nước này đang quyết tâm thay thế nguồn năng lượng sạch, xóa bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện (than) vì thế Đức lại càng cần nhập thêm dầu khí. Hiện nay, lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu chiếm khoảng 20% thị phần (Mỹ chiếm khoảng 12%).

Nga có lợi thế trong cạnh tranh thị trường, giá bán khí hóa lỏng của Nga rẻ hơn của Mỹ từ 30-40%. Nếu đường ống Phương Bắc 2 vận hành thì giá khí đốt của Nga sẽ rẻ hơn của Mỹ khoảng 50%. Ưu thế về giá khiến bất cứ quốc gia nào cũng muốn trở thành khách hàng thường xuyên của Nga. Để xoa dịu Mỹ, các quốc gia châu Âu cho rằng họ hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu khí đơn thuần chỉ là lợi ích kinh tế chứ không liên quan đến chính trị.

Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dài trên 1,2 nghìn km, vốn đầu tư là 11 tỷ USD, công suất khoảng 55 tỷ m3 khí /năm, cung cấp cho các nước châu Âu. Đường ống nằm dưới biển Baltic đi qua hải phận Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức (các quốc gia được hưởng lợi).

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đóng góp 50% vốn, còn lại là của Đức và các đối tác cùng đầu tư là Anh, Pháp, Hà Lan, Áo. Mặc dù dưới áp lực ngăn cản của Mỹ nhưng đến nay việc xây dựng đã hoàn thành trên 90% khối lượng công trình. Năm 2019, Mỹ dọa trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án nhưng đa số các nước đều phản đối Mỹ (chỉ có Ucraina, Ba Lan, Đan Mạch là ủng hộ Mỹ).

Mỹ ngăn cản không muốn cho các nước EU góp vốn với Nga xây dựng Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là vì muốn châu Âu nhập khẩu khí hóa lỏng của mình; Mỹ sợ các nước lệ thuộc vào nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào của Nga và Chính quyền Putin có thể dùng “con bài” khí đốt để can thiệp vào chính trị, kinh tế của châu Âu. Bấy lâu nay, dầu khí vẫn được coi như là thứ vũ khí “xâm lược mềm” của Nga đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Đức mang tính đặc thù, họ là đối tác kinh tế nhưng luôn mâu thuẫn về chính trị, ngoại giao. Bà Mer Kel Thủ tướng Đức có quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Nga Putin. Do đó có nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa hai nước trong những năm qua đều được hóa giải nhanh chóng.