Duy trì ổn định hai bờ Ðịa Trung Hải

15:56, 13/09/2020

Vấn đề Li-bi là một trong những chủ đề quan trọng vừa được các nhà lãnh đạo bảy nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) nằm ven Ðịa Trung Hải thảo luận tại cuộc gặp do Pháp chủ trì. Tháo gỡ bế tắc khủng hoảng Li-bi cũng là chìa khóa quan trọng giúp châu Âu giải quyết vấn đề người di cư, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xung đột mới ở khu vực.

Cuộc họp của bảy nước Nam Âu do Tổng thống Pháp E.Ma-crông chủ trì, nhằm tìm kiếm lập trường thống nhất về một số vấn đề nóng ở khu vực liên quan các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây leo thang căng thẳng, một trong những lý do khiến hai đồng minh trong NATO này gia tăng đối đầu là sự phản đối của Pháp đối với sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào tình hình Li-bi. Trong khi Pháp phản đối Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA), thì An-ca-ra cáo buộc Pa-ri hậu thuẫn chính trị cho lực lượng ở miền đông tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) của Tướng K.Háp-ta. Hồi tháng 6, tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ và tàu chiến Pháp từng chút nữa thì xảy ra va chạm, sau khi tàu Pháp được lệnh giám sát tàu Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Li-bi.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Li-bi thêm phức tạp do các nước can thiệp, khi ủng hộ các phe đối địch ở Li-bi. Quyền đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Li-bi X.Uy-li-am cảnh báo, những thế lực bên ngoài đang “tuồn” vũ khí cho hai bên xung đột ở Li-bi, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ. Kể từ tháng 7 vừa qua, hàng chục chuyến bay tiếp tế đã hạ cánh xuống các sân bay miền đông Li-bi để hỗ trợ LNA, cũng như các chuyến bay và tàu chở hàng cập bến miền tây để giúp GNA. Xung đột ở Li-bi ngày càng leo thang bởi sự tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia ở phía đông Ðịa Trung Hải. Quan chức LHQ nhấn mạnh, bất kỳ hành động liều lĩnh nào đều có nguy cơ châm ngòi cho cuộc đối đầu quy mô lớn, gây hậu quả tàn khốc cho Li-bi và khu vực. LHQ cảnh báo, hiện Li-bi gần như sụp đổ hoàn toàn sau hơn chín năm xung đột, hệ thống y tế bị tàn phá nghiêm trọng khiến quốc gia này không thể ứng phó hiệu quả đối với dịch Covid-19, cũng như không thể chịu đựng thêm xung đột.

Việc tìm giải pháp cho Li-bi được cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ. Với vai trò trung gian của Ma-rốc và sự bảo trợ của LHQ, tại cuộc đàm phán mang tên “Ðối thoại Li-bi” vừa qua, các đại diện hai chính quyền đối địch ở Li-bi, gồm GNA và nghị viện ở miền đông, đã đạt thỏa thuận quan trọng, mở đường cho các bước tiếp theo tiến tới chấm dứt xung đột và thiết lập hòa bình cho đất nước. Hai bên nhất trí một số tiêu chí quan trọng liên quan tiến trình đàm phán và việc bổ nhiệm các vị trí trong các cơ quan quan trọng của đất nước. Hai bên cũng ấn định tiếp tục tổ chức đàm phán vào tuần cuối tháng 9 tới, nhằm hoàn thiện các cơ chế bảo đảm việc thực thi thỏa thuận.

Tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập A.Xi-xi diễn ra sau hội nghị bảy nước Nam Âu, Tổng thống Pháp E.Ma-crông nhắc lại lập trường vững chắc là đạt được một giải pháp chính trị cho vấn đề Li-bi, thông qua việc chấm dứt các hành động can thiệp của nước ngoài và sự hiện diện của các lực lượng dân quân vũ trang ở Li-bi. Trong bối cảnh cùng bị cáo buộc ủng hộ lực lượng của Tướng Háp-ta ở miền đông Li-bi, cả Pháp và Ai Cập đều khẳng định quan điểm nhất quán là tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Li-bi. Các nhà lãnh đạo Pháp và Ai Cập hoan nghênh bất kỳ bước đi tích cực nào trong khuôn khổ các nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Li-bi.

Trước những diễn biến khó lường tại Li-bi, Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi, cũng như chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình quốc gia Bắc Phi. Chỉ như vậy mới có thể thúc đẩy đối thoại, mở cánh cửa hoà bình cho Li-bi, cũng là yếu tố cốt lõi duy trì sự ổn định của cả khu vực rộng lớn hai bờ Ðịa Trung Hải.