Việt Nam cùng 45 nước trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương đang tham gia hội nghị trực tuyến của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) để lên kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu quả của thảm họa kép là đại dịch COVID-19 và nạn đói.
Khoảng 400 đại biểu đại diện chính phủ 46 nước thành viên của FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã tham gia một cuộc họp trực tuyến kéo dài 4 ngày (từ 1 đến 4/9) để xem xét kỹ lưỡng thực trạng an ninh lương thực trong khu vực, đặc biệt là tác động liên quan tới tình trạng lây lan virus corona và tác động tới hệ thống thực phẩm toàn khu vực. Đây là Hội nghị lần thứ 35 khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FAO (#APRC35), diễn ra dưới hình thức trực tuyến do Chính phủ Hoàng gia Butan đăng cai.
Thành phần tham dự gồm các Bộ trưởng, đại diện của khu vực tư nhân, xã hội dân sự, viện nghiên cứu cùng các chuyên gia kỹ thuật về lương thực và nông nghiệp. Tất cả các phiên họp của hội nghị đều được phát trực tuyến. Các đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo thông báo từ FAO, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đe dọa tính mạng và sinh kế của người dân ở nhiều quốc gia trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương nên đã gây trở ngại cho cuộc chiến nhằm chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tập trung tới hơn một nửa số dân bị suy dinh dưỡng của thế giới, và do COVID-19 nên số người đói ở Nam Á dự kiến sẽ tăng tới gần 1/3 dân số, lên tới 330 triệu vào năm 2030, là năm mục tiêu phải đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng toàn cầu là xóa bỏ mọi hình thức đói và suy dinh dưỡng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố nghiêm trọng đang đe dọa tới nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu cho toàn hệ thống thực phẩm của khu vực.
Ông Jong-Jin Kim, Trợ lý Tổng giám đốc và Đại diện FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Chúng ta phải chấp nhận những gì diễn ra trước mắt và công nhận rằng thế giới cũng như khu vực của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta phải tìm ra cách làm mới để tiến lên phía trước và đảm bảo an ninh lương thực bền vững trong bối cảnh thảm họa kép này, cũng như chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa có thể và sẽ gia tăng trong tương lai. Hội nghị trực tuyến này giúp đưa mọi người và quan điểm đến gần nhau hơn để cùng lên kế hoạch hành động vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Theo đó, Hội nghị giới thiệu Chương trình ứng phó và khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 toàn diện mới được đưa ra gần đây của FAO. Chương trình này được thiết kế để có hành động ứng phó linh hoạt và được điều phối trên toàn cầu nhằm đảm bảo sao cho tất cả mọi người được tiếp cận thực phẩm đủ dinh dưỡng. Chương trình sẽ huy động mọi loại nguồn lực và quan hệ đối tác ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Mục tiêu chính của chương trình là giảm thiểu tác động trước mắt của dịch COVID-19 trong khi vẫn tăng cường khả năng chống chịu dài hạn hơn cho hệ thống thực phẩm và sinh kế.
Hội nghị cũng xem xét các kênh marketing mới (chẳng hạn như thương mại điện tử) và công nghệ mới (bao gồm cả cơ sở bảo quản tốt hơn), các kênh và công nghệ này sẽ giúp giảm tổn thất thực phẩm vì đây là những khâu quan trọng để đảm bảo dòng thực phẩm dinh dưỡng và tạo thu nhập tốt hơn cho những người làm việc trong toàn ngành lương thực và nông nghiệp.
Một điều quan trọng không kém là phải giúp nông hộ nhỏ và nông dân sản xuất quy mô hộ gia đình – những người sản xuất ra phần lớn thực phẩm cho chúng ta sử dụng – để họ có thể năng động hơn, nhạy bén hơn và có khả năng cạnh tranh hơn nhờ đổi mới không ngừng. Nông hộ nhỏ sẽ cần tăng cường khả năng hơn nữa để tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ và đổi mới.
Để đạt được mục tiêu trên, việc kết nối tất cả các bên sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng và FAO đang trong quá trình thực hiện Sáng kiến Tay trong Tay nhằm hướng tới mục tiêu này. Hội nghị sẽ có phiên họp đặc biệt để xem xét tiến độ đã đạt được trong khu vực thông qua sáng kiến này.