Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 259.780 ca mắc và 5.174 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 30/9 lần lượt là 33.805.428 và 1.011.312 trường hợp.
Trong một thông điệp phát đi ngày 29/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định con số 1 triệu ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là "một mốc rất đáng buồn" khi nhiều bệnh nhân phải ra đi trong đơn độc và không có người thân nào được đến gần họ để nói lời từ biệt. Tuy nhiên, đại diện tổ chức này khẳng định, một tín hiệu tích cực là chủng virus này hoàn toàn có thể ngăn chặn được, bởi đây không phải là bệnh cúm.
Tính đến sáng 30/9, đã có 26.077.559 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.727.869 ca bệnh đang điều trị thì có 7.662.368 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 65.501 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua, còn Nga tiếp tục vượt xa mốc “triệu ca nhiễm” COVID-19.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.954.590 trường hợp, trong đó có 221.673 ca tử vong và 2.518.431 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 54.969 ca nhiễm và 832 ca tử vong mới vì COVID-19.
Với 290.466 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được ở thời điểm hiện tại, Đức đang là nước đứng thứ 6 trong bảng thống kê các nước chịu tác động bởi dịch bệnh ở châu Âu. Trước bối cảnh trên, ngày 29/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã tiến hành cuộc họp trực tuyến để cùng thảo luận và xem xét đưa ra các biện pháp "cứng rắn" hơn nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng đáng lo ngại tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thủ tướng Merkel một lần nữa kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch tới các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt khi kỳ nghỉ mùa thu ở Đức bắt đầu và cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu tại nơi công cộng và đảm bảo vệ sinh.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 43.938 ca nhiễm COVID-19 và 1.070 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 8.830.767 và 309.174 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 7.397.912 ca nhiễm và 210.637 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 733.717 và 76.603 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 156.856 ca nhiễm và 9.290 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 30/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 10.507.113 trường hợp, với 192.860 ca tử vong và 8.811.080 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.503.173 ca bệnh đang điều trị thì có 20.724 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 80.500 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (6.223.519 ca). Tiếp điến là Iran và Bangladesh, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 453.637; 362.043 trường hợp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 29/9 xác nhận sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19 ít nhất một tháng, và nhiều khả năng thời gian phong tỏa sẽ còn lâu hơn. Cùng ngày, phát biểu trên Đài Phát thanh truyền hình Israel KAN, Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein cũng xác nhận thông tin này và cho biết thêm, mọi cá nhân và và doanh nghiệp nên phải hiểu rằng việc phong tỏa sẽ được kéo dài đến sau ngày 10/10. Theo Bộ trưởng Edelstein, lệnh phong tỏa toàn quốc lần 2 của Israel sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn nhiều so với lần đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4, và dự kiến sẽ được dỡ bỏ dần trong thời gian dài. Hiện Israel đang là nước thuộc top 10 các nước chịu tác động bởi dịch bệnh tại châu Á, với 236.926 ca nhiễm và 1.528 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 40.680 ca nhiễm và 1.139 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 8.000.094 trường hợp, với 250.938 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Peru và Argentina…với lần lượt 4.780.317; 824.042; 808.714; 723.132 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 30/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.480.934 trường hợp, trong đó có 35.729 ca tử vong và 1.225.806 ca bình phục. Trong tổng số 219.399 ca đang điều trị thì có 1.621 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 672.572 ca nhiễm COVID-19 và 16.667 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 903 ca nhiễm và 81 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Ai Cập và Ethiopia với lần lượt 121.183; 103.079; 74.584 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 162 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 11 ca ở Australia; 2 ca ở New Zealand và 149 ca ở French Polynesia. Hiện khu vực này ghi nhận 31.209 ca nhiễm và 923 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.055 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.835 ca./.