Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 240.704 ca mắc và 3.862 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 21/9 lần lượt là 31.218.290 và 964.733 trường hợp.
Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Nga đã vượt xa mốc “triệu ca nhiễm” COVID-19.
Tính đến sáng 21/9, đã có 22.814.168 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.439.389 ca bệnh đang điều trị thì có 7.377.833 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 61.506 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.435.994 trường hợp, trong đó có 216.184 ca tử vong và 2.382.434 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 37.662 ca nhiễm và 291 ca tử vong mới vì COVID-19. Hiện Pháp đã vượt Anh và trở thành nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 3 ở khu vực châu Âu, với 452.763 trường hợp, đứng sau các nước Nga và Tây Ban Nha với lần lượt 1.103.399 và 659.334 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.
Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.777 ca. Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng vọt. Thậm chí tình hình đã căng thẳng tới mức Thị trưởng London Sadiq Khan đã yêu cầu phải hành động nhanh chóng để ngăn dịch lan nhanh tại thủ đô nước Anh. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/9 cho biết nước này hiện ở điểm quan trọng liên quan đến đại dịch COVID-19, thậm chí cảnh báo biện pháp phong tỏa quốc gia lần 2 có thể được áp đặt nếu người dân không tuân thủ các quy định của chính phủ để ngăn dịch lây lan. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi tình hình dịch hiện nay là làn sóng thứ 2 và các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn sẽ được áp đặt tại nhiều vùng trên cả nước, với London có thể là địa điểm tiếp theo.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 41.183 ca nhiễm COVID-19 và 815 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 8.344.360 và 298.526 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 7.000.896 ca nhiễm và 204.115 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 694.121 và 73.258 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 143.631 ca nhiễm và 9.217 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 21/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 9.468.071 trường hợp, với 177.173 ca tử vong và 7.764.118 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.526.780 ca bệnh đang điều trị thì có 19.704 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 87.382 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (5.485.612 ca). Tiếp điến là Iran và Bangladesh, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 422.140; 348.918 trường hợp.
Ngày 20/9, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 trên toàn quốc thêm một tuần đến ngày 27/9 tới, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo cụm và những ca mắc không xác định được nguồn lây vẫn ở mức cao trước thềm kỳ nghỉ lễ Trung thu. Theo đó, những cơ sở bị coi là có “nguy cơ cao” lây lan dịch COVID-19 như quán bar, karaoke, trung tâm tổ chức tiệc buffet, và những cơ sở công cộng tập trung đông người như bảo tàng và thư viện sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một tuần. Những nơi có rủi ro thấp hơn, như nhà hàng và cơ sở tôn giáo, mặc dù được phép hoạt động song phải theo dõi nhật ký khách ra vào và tuân thủ các quy định về giãn cách. Theo số liệu thống kê do worldometers.info công bố vào sáng 21/9, hiện Hàn Quốc đang đứng thứ 28 khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 22.975 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 34.929 ca nhiễm và 835 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 7.525.268 trường hợp, với 237.942 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Peru và Argentina…với lần lượt 4.544.629; 765.076; 762.865; 631.365 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 21/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.413.317 trường hợp, trong đó có 34.008 ca tử vong và 1.158.641 ca bình phục. Trong tổng số 220.668 ca đang điều trị thì có 1.457 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 661.211 ca nhiễm COVID-19 và 15.953 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.555 ca nhiễm và 13 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ai Cập, Ma-rốc và Ethiopia với lần lượt 102.015; 101.743; 68.820 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 18 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 13 ca ở Australia; 4 ca ở New Zealand và 1 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 30.559 ca nhiễm và 885 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 26.898 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.815 ca. Trước bối cảnh trên, ngày 20/9, Chính phủ Australia công bố đầu tư thêm 6 triệu đôla Australia (4,3 triệu USD) cho 3 dự án phát triển vaccine ngừa COVID-19./.