SputnikV- cán đích cuộc đua thần tốc

08:46, 13/09/2020

Tháng 8-2020, Tổng thống Nga Putin thông báo, khẳng định nước này đã nghiên cứu, bào chế thành công vaccine chống COVID-19 và cấp phép cho sản xuất quy mô đại trà (lấy tên vaccine là SputnikV- vệ tinh đầu tiên của nhân loại).

Trước thông tin trên, thế giới có nhiều phản ứng trái chiều. Mỹ, các nước phương Tây và cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn tỏ ra hoài nghi công dụng và tính an toàn của vaccine. Một số chuyên gia y tế khuyến cáo Nga cần thận trọng hơn khi quyết định sản xuất hàng loạt loại vaccine này.

Dư luận (thiếu thiện chí với nước Nga) cho rằng nước này mới chỉ thử nghiệm vaccine qua giai đoạn 1 và 2. Chưa kết thúc bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên diện rộng với nhiều loại đối tượng theo đúng quy trình, thời gian để đánh giá mức độ an toàn, bảo đảm không có các phản ứng phụ, di chứng tác hại…

Nhiều chính trị gia và báo chí phương Tây coi việc Tổng thống Putin tuyên bố đã tìm ra vaccine chống COVID-19 là: Hành động đánh bóng chính trị, quảng bá nước Nga, tự khẳng định mình là nước đi tiên phong trong việc sản xuất vaccine. Thậm chí có những ý kiến cho rằng, ông Putin loan báo tìm ra vaccine là vì mục đích tiếp thị thương mại, muốn kiếm lợi nhuận lớn từ việc bán loại thuốc này (tại thời điểm chưa có nước nào công bố sản xuất được vaccine)… Dĩ nhiên phía Nga phản bác lại những cáo buộc phi lý đó.

Để khẳng định mức độ an toàn của loại dược phẩm do Nga bào chế, ông Putin cho biết là một người con gái của ông đã tiêm loại vaccine này. Đến nay, có rất nhiều quan chức cao cấp Nga đã tình nguyện tiêm thuốc như Bộ trưởng Thương mại Manturor, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Tổng thống Duterte đã từng nói: “Nếu Philippine nhập loại vaccine SputnikV của Nga, tôi sẽ là người tiêm đầu tiên”.

Nga đặt tên vaccine chống COVID-19 là SputnikV. Việc định danh cho loại thuốc này có ý nghĩa khẳng định Nga là quốc gia đi tiên phong trong việc sản xuất vaccine phòng, chống dịch. Vì SputnikV vốn là vệ tinh nhân tạo được phóng lên quỹ đạo trái đất, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

Vaccine SputnikV do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học quốc gia mang tên Gama leya kết hợp với Bộ Quốc phòng Nga nghiên cứu, bào chế. Mới đây nhất, Nga lại thông báo là Trung tâm khoa học Vector cũng đã bào chế được loại thuốc thứ 2 chống COVID-19 và đang tiến hành các thủ tục đăng ký để sản xuất.

Đến nay chưa có kết quả tổng hợp, đánh giá cụ thể, nhưng trước đó, Nga đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Sputnik V trên diện rộng với 40 nghìn người tham gia, bao gồm các loại đối tượng (lứa tuổi già, trẻ, giới tính nam, nữ, người khỏe, người yếu, người ốm).

Quy trình thử nghiệm bất cứ loại thuốc mới nào đều cũng phải tuân thủ các bước rất nghiêm ngặt. Trước hết phải thử nghiệm thuốc trên động vật để xác định sự an toàn, có hay không có độc tính, sau đó mới thử nghiệm trên người để đánh giá hiệu quả, thử các phương pháp điều trị, thử thuốc trên diện hẹp (ít đối tượng), diện rộng (nhiều đối tượng)... Nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu, bào chế rất tốn kém, nhưng không vượt qua được giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Mục đích của Nga tìm ra vaccine chống COVID-19 là để phòng, chống dịch, chứ không phải để làm chính trị quảng bá nước Nga và chắc chắn không phải vì mục đích thương mại kiếm lợi nhuận từ việc bán thuốc như Phương Tây cố tình thêu dệt.
Từ trước đến nay, Nga vốn là một quốc gia có tinh thần quốc tế cao cả, giúp nhiều nước rất hào hiệp. Họ là nước xóa nợ khoảng 150 tỷ USD (nhiều nhất thế giới) cho trên 100 quốc gia. Các nước như Cu ba, Triều Tiên, I-rắc… mỗi nước được xóa nợ vài chục tỷ USD (xóa nợ cho Việt Nam khoảng 10 tỷ USD). Do vậy, phương Tây nói rằng ông Putin muốn tìm kiếm lợi nhuận trong việc bán vaccine là không có căn cứ thuyết phục.

Nga đã nghiên cứu vaccine chống COVID-19 từ thời điểm có dịch cuối năm 2019, tháng 5-2020, quan chức y tế nước này đã công bố sản xuất thành công vaccine miễn dịch đề kháng COVID -19 (đến tháng 8 -2020 Tổng thống Nga mới tuyên bố).

Một lý do vì sao Nga tiên phong tìm ra vaccine được lý giải là nước này có các viện nghiên cứu thuốc tân dược của nhà nước (kinh phí ngân sách, hoạt động phi lợi nhuận) nên họ thường sớm bắt tay nghiên cứu thuốc khi có bất cứ một loại dịch bệnh nào mới phát sinh. Còn các cơ sở nghiên cứu của Mỹ và phương Tây chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân, thường thường họ chỉ nghiên cứu khi chính phủ đặt hàng (một loại sản phẩm nào đó) nên họ đi sau Nga trong việc nghiên cứu thành công vaccine chống COVID-19 là điều dễ hiểu.