Thế giới có gần 27,5 triệu ca nhiễm COVID-19

08:47, 08/09/2020

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 08/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 27.454.484 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 895.808 ca tử vong và 19.497.729 ca phục hồi. Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 171.430 ca mắc mới và 3.095 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 6.480.761 ca nhiễm COVID-19, trong đó 193.456 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 07/9, giới chức Mỹ ghi nhận có thêm 20.511 ca mắc mới và 208 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 3.830.601 người, với 210.277 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 25.629 ca nhiễm mới và 260 ca tử vong vì COVID-19.  Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 1.030.690 ca mắc COVID-19 và 17.871 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 5.185 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 51 ca.

Tây Ban Nha, Anh, Pháp lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt là 525.549; 350.100 và 328.980 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.  

Châu Á, đã có tổng cộng 7.852.171 ca nhiễm và 153.674 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 94.865 ca mắc mới và 1.555 trường hợp tử vong.  Riêng tại châu Á, có 6.344.115 ca được điều trị khỏi; 1.354.382 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.152 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 07/9, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 75.022 ca mắc mới và 1.129 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 4.277.584 và 72.816 ca.

Ấn Độ đang chứng kiến mức gia tăng số ca COVID-19 lớn nhất thế giới khi liên tục phát hiện số ca nhiễm theo ngày cao trung bình gấp 2 lần so với Mỹ và Brazil trong thời gian qua. Ấn Độ đã vượt Brazil để đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 2 ngày trở lại đây, nước này liên tục ghi nhận hơn 90.000 ca mắc mới/ngày, trong khi Brazil ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới/ngày.

Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 07/9, giới chức y tế Iran xác nhận các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 388.810 người, sau khi có thêm 2.152 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 117 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 24.410 trường hợp.

Cũng tại châu Á, Hàn Quốc ngày 07/9 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất sau 24 ngày tái bùng phát dịch trong cộng đồng, với 119 ca, trong đó có 108 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, xu hướng lây lan virus SARS-CoV-2 ở nước này đang có chiều hướng chững lại, nhưng vẫn phát sinh một số ca lây nhiễm rải rác. Ngoài ra, tỷ lệ những ca nhiễm không rõ nguồn lây vẫn chiếm trên 20%. 

Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 07/9, khu vực này ghi nhận thêm 4.447 ca mắc mới và 138 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, tính đến nay khu vực này ghi nhận có tổng cộng 479.280 ca mắc COVID-19, trong đó 12.276 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác. Nước này ghi nhận có thêm 105 ca tử vong mới trong ngày 07/9. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận có 8.130 ca tử vong và 196.989 ca mắc COVID-19. Ngày 07/9, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết, chính phủ nước này đã dành 3.700 tỷ rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cao cấp này cho biết trong năm tới, Chính phủ cũng dự tính dành 37.000 tỷ rupiah (2,51 tỷ USD) cho chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm. 

Philppines hiện đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc COVID-19 với 238.727 ca. Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong vì dịch bệnh là 3.890 người. Tại Philippines, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.383 ca mắc bệnh mới và 15 ca tử vong.

Bộ Y tế Malaysia ngày 07/9 ghi nhận thêm 62 ca mắc COVID-19, gấp 10 lần so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 9.459 ca nhiễm bệnh, trong đó 9.124 trường hợp đã khỏi bệnh và 128 người tử vong. 

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 27.342 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 7.694.821 ca, tổng số người tử vong là 280.951 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 4.576.441 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 634.023 ca nhiễm và 67.558 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 132.142 ca nhiễm và 9.146 ca tử vong vì COVID-19.

Tại Cuba, chính quyền tỉnh Ciego de Avila quyết định đóng cửa trở lại các trường học do phát hiện ổ dịch COVID-19 mới. Theo đó, 75 trong tổng số 90 trường học ở địa phương này khôi phục việc học trực tuyến từ ngày 7/9. Cuba mới mở cửa trường học trở lại từ ngày 1/9 sau 6 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Hiện Cuba vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô La Habana, ổ dịch lớn nhất của nước này. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Cuba vào tháng 3 đến nay, tổng số bệnh nhân ở quốc gia Caribe đã lên tới 4.352 ca, trong đó có 141 ca tử vong.

Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 6.730.855 ca nhiễm; 218.459 ca tử vong và 5.334.292 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 4.147.794 ca nhiễm, trong đó 126.960 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 689.977 ca nhiễm và 29.838 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Colombia với 666.521 ca nhiễm và 21.412 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Papua New Guinea là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 43 trường hợp mắc mới và 9 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 26.322 ca, trong đó số ca tử vong là 762 trường hợp.  

Ngày 06/9 vừa qua, Thủ hiến bang Victoria, Australia Daniel Andrews thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa giai đoạn 4 tại thành phố Melbourne thêm 2 tuần (đến hết ngày 28/9) do số ca mắc mới dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ dẫn đến một đợt bùng phát mới. Ông Daniel Andrews cho biết: “Bắt đầu từ 11h59 tối ngày 13/9 tới, chúng tôi sẽ phải gia hạn các biện pháp trong vòng 2 tuần, tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế giai đoạn 4 đang ban hành hiện tại đối với thành phố Melbourne. Sự sụt giảm của các ca nhiễm gần đây có thể chỉ là tạm thời. Vì vậy, chúng tôi cần phải gia hạn các biện pháp, không thể mở cửa nền kinh tế vào lúc này”.

New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.776 ca, trong đó 24 trường hợp tử vong. Ngày 07/9, nước này công bố có thêm 4 ca nhiễm mới COVID-19. Papua New Guinea cũng ghi nhận có thêm 9 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 497 trường hợp.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 1.311.163 ca mắc COVID-19, trong đó 31.555 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 639.362 trường hợp, trong đó 15.004 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 845 ca mắc mới COVID-19 và 115 ca tử vong vì đại dịch.

Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 99.863 ca nhiễm COVID-19 và 5.530 ca tử vong vì dịch bệnh, tiếp đến là Morocco với 73.780 ca nhiễm và 1.394 ca tử vong vì COVID-19./.