Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 234.594 ca mắc và 3.991 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 1/9 lần lượt là 25.618.177 và 854.194 trường hợp.
Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Nga đang tiến sát tới mốc có “triệu ca nhiễm” COVID-19.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, với các số ca nhiễm và tử vong mới không ngừng gia tăng, ngày 31/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là "cách làm dẫn tới thảm họa", cho dù nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19.
Cũng trong cuộc họp cùng ngày, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng bệnh COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.
Tính đến sáng 1/9, đã có 17.916.562 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.847.421 ca bệnh đang điều trị thì có 6.786.243 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 61.178 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 3.581.825 trường hợp, trong đó có 207.735 ca tử vong và 2.071.279 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 21.459 ca nhiễm và 301 ca tử vong mới vì COVID-19.
Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước dẫn đầu bảng danh sách các nước bị tác động bởi dịch bệnh tại châu Âu, với lần lượt 995.319; 462.858; 335.873 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Anh là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.501 ca, sau khi ghi nhận thêm 2 ca trong 24 giờ qua; tiếp theo sau là Italy với 35.483 ca.
Ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu chương trình hỗ trợ chống COVID-19 trị giá 60 triệu euro (tương đương 71,57 triệu USD) cho các quốc gia thành viên của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD). Trưởng phái đoàn EU tại Ethiopia, ông Johan Borgstam cho biết gói hỗ trợ sẽ giúp các nước IGAD giải quyết tác động của dịch COVID-19 đối với y tế và xã hội. Dự án sẽ cung cấp khoảng 3,5 triệu khẩu trang và găng tay phẫu thuật, 70.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, 8 phòng thí nghiệm di động và 24 xe cứu thương. Ông Borgstam khẳng định đại dịch COVID-19 là mối đe dọa tới y tế toàn cầu nên chỉ có thể được giải quyết thông qua các quan hệ đối tác quốc tế. Các quốc gia đang ở thời điểm mà sự lây lan của đại dịch đang gia tăng, tác động tiêu cực đến những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người di cư, tị nạn và những người phải đi ly tán ở trong nước.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 44.809 ca nhiễm COVID-19 và 913 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 7.352.412 và 271.088 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 6.209.514 ca nhiễm và 187.700 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 595.841 và 64.158 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 128.948 ca nhiễm và 9.126 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 1/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 7.086.177 trường hợp, với 142.482 ca tử vong và 5.684.365 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.259.330 ca bệnh đang điều trị thì có 18.806 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 68.770 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (3.687.939 ca). Tiếp điến là Iran và Ả rập Xê út, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 375.212; 315.772 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 67.663 ca nhiễm và 1.196 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 6.311.370 trường hợp, với 202.332 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Peru, Colombia và Argentina…với lần lượt 3.910.901; 647.166; 615.168; 417.735 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 1/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.257.196 trường hợp, trong đó có 29.861 ca tử vong và 987.384 ca bình phục. Trong tổng số 239.951 ca đang điều trị thì có 1.270 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 627.041 ca nhiễm COVID-19 và 14.149 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.985 ca nhiễm và 121 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ai Cập, Ma-rốc và Nigeria với lần lượt 98.939; 62.590; 54.008 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 85 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 76 ca ở Australia; 9 ca còn lại ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 28.476 ca nhiễm và 652 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 25.746 ca./.