Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 10/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 27.993.334 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 906.889 ca tử vong và 20.074.830 ca phục hồi. Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 244.114 ca mắc mới và 5.252 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 6.545.144 ca nhiễm COVID-19, trong đó 195.053 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 9/9, giới chức Mỹ ghi nhận có thêm 30.913 ca mắc mới và 1.023 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 3.907.798 người, với 211.148 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 39.617 ca nhiễm mới và 400 ca tử vong vì COVID-19. Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 1.041.007 ca mắc COVID-19 và 18.135 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 5.218 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 142 ca. Tây Ban Nha, Anh, Pháp lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt là 543.379; 355.219 và 344.101 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/9 thông báo đã đạt thỏa thuận với BioNTech-Pfizer trong việc mua thêm 200 triệu liều vaccine tiềm năng phòng bệnh COVID-19. Đây là công ty dược phẩm thứ 6 mà EC đạt thỏa thuận trong việc mua vaccine phòng COVID-19. Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về An toàn Thực phẩm và Y tế Stella Kyriakides bày tỏ hy vọng trong số những ứng viên vaccine tiềm năng sẽ có một loại an toàn và hiệu quả trong việc phòng COVID-19 để giúp các nước thành viên vượt qua đại dịch. Trước đó, EC đã ký thỏa thuận mua vaccine phòng COVID-19 với công ty Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, Curevac, Moderna và AstraZeneca.
Châu Á, đã có tổng cộng 8.095.618 ca nhiễm và 157.123 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 119.596 ca mắc mới và 1.672 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 6.533.566 ca được điều trị khỏi; 1.404.929 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.193 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 9/9, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 75.022 ca mắc mới và 1.168 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 4.462.965 và 75.091 ca. Ấn Độ đang chứng kiến mức gia tăng số ca COVID-19 lớn nhất thế giới khi liên tục phát hiện số ca nhiễm theo ngày cao trung bình gấp 3 lần so với Mỹ và Brazil trong thời gian qua. Ấn Độ đã vượt Brazil để đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 2 ngày trở lại đây, nước này liên tục ghi nhận hơn 90.000 ca mắc mới/ngày, trong khi Brazil ghi nhận khoảng hơn 30.000 ca mắc mới/ngày.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 9/9, giới chức y tế Iran xác nhận các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 393.425 người, sau khi có thêm 2.313 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 127 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 22.669 trường hợp.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc vẫn duy trì cảnh giác với các ổ dịch rải rác trên cả nước dù ngày 9/9 đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày dưới mức 200 ca. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc giảm mạnh sau ngày 27/8, thời điểm nước này ghi nhận tới 441 ca nhiễm mới trong ngày. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản thông báo thêm 149 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới vượt ngưỡng 100. HIện, Tokyo ghi nhận có tổng cộng 22.168 ca mắc COVID-19, là địa phương chịu tác động mạnh nhất vì COVID-19 tại Nhật Bản.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 9/9, khu vực này ghi nhận thêm 6.768 ca mắc mới và 178 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, tính đến nay khu vực này ghi nhận có tổng cộng 522.097 ca mắc COVID-19, trong đó 12.585 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có 3 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác. Nước này ghi nhận có thêm 106 ca tử vong mới trong ngày 9/9. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận có 8.336 ca tử vong và 203.342 ca mắc COVID-19.
Philppines hiện đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc COVID-19 với 245.143 ca. Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong vì dịch bệnh là 3.986 người. Tại Philippines, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 3.176 ca mắc bệnh mới và 70 ca tử vong. Sau nhiều tháng bình yên, những ngày gần đây Myanmar bất ngờ ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Trong ngày 9/9, Myanmar ghi nhận 180 ca mắc mới với virus SARS-CoV-2 và 2 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 1.889 ca và 12 ca.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 40.637 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 7.778.942 ca, tổng số người tử vong là 283.676 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 4.683.387 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 642.860 ca nhiễm và 68.484 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 134.096 ca nhiễm và 9.154 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 6.832.079 ca nhiễm; 221.589 ca tử vong và 5.544.389 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 4.197.889 ca nhiễm, trong đó 128.539 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 696.190 ca nhiễm và 30.123 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Colombia với 679.513 ca nhiễm và 21.817 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand, French Polynesia và Fiji là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 91 trường hợp mắc mới và 11 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 26.465 ca, trong đó số ca tử vong là 781 trường hợp.
Ngày 6/9 vừa qua, Thủ hiến bang Victoria, Australia Daniel Andrews thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa giai đoạn 4 tại thành phố Melbourne thêm 2 tuần (đến hết ngày 28/9) do số ca mắc mới dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ dẫn đến một đợt bùng phát mới. New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.788 ca, trong đó 24 trường hợp tử vong. Ngày 9/9, nước này công bố có thêm 6 ca nhiễm mới COVID-19. French Polynesia cũng ghi nhận có thêm 22 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 795 trường hợp. Fiji cũng ghi nhận có thêm 1 trường hợp mắc mới vì dịch bệnh trong ngày 9/9. Hiện số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này là 32 người, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 1.327.647 ca mắc COVID-19, trong đó 31.966 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 642.431 trường hợp, trong đó 15.168 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.990 ca mắc mới COVID-19 và 82 ca tử vong vì đại dịch. Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 100.228 ca nhiễm COVID-19 và 5.560 ca tử vong vì dịch bệnh, tiếp đến là Morocco với 77.878 ca nhiễm và 1.453 ca tử vong vì COVID-19./.