Ngày 9/9, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian suy giảm nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng sự phục hồi hoàn toàn là “không chắc chắn nếu không có một loại vaccine”.
Trong một bài phân tích được đăng trên Tạp chí Foreign Policy, nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath và Tổng giám đốc Kristalina Georgieva đều nhấn mạnh, chính phủ các quốc gia nên tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vì cuộc khủng hoảng có thể đẩy làn sóng phá sản và mất việc lên cao.
Bài viết cho hay, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng trên thế giới và các doanh nghiệp mở cửa trở lại, đã khiến các chỉ số sản lượng, tiêu thụ và việc làm phục hồi mạnh mẽ.
Theo 2 quan chức IMF, những biện pháp hỗ trợ trên quy mô lớn và nhanh chóng của các Chính phủ cũng đã giúp giảm nhẹ các tác động đối với nền kinh tế, tạo tiền đề cho giai đoạn hồi phục ban đầu.
“Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc”, các quan chức IMF cảnh báo.
“Sự phục hồi vẫn còn rất mong manh và không đều giữa các vùng và các lĩnh vực. Để đảm bảo duy trì sự phục hồi, điều cần thiết là Chính phủ các nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tránh chấm dứt sự hỗ trợ kinh tế quá sớm”, các quan chức IMF cảnh báo.
Theo bà Gita Gopinath và bà Kristalina Georgieva, các doanh nghiệp, thậm chí cả những doanh nghiệp đã vỡ nợ, sẽ vẫn cần được hỗ trợ để ngăn chặn nguy cơ mất đi hàng triệu việc làm. Điều này có thể sẽ yêu cầu Chính phủ các nước phải mua cổ phần của các công ty hoặc cung cấp các khoản trợ cấp, thay vào đó để đổi lại những mức thuế cao hơn trong tương lai.
Nhưng các Chính phủ sẽ phải thận trọng trong cách phân bổ các nguồn lực vốn rất khan hiếm khi một số công ty trong một số lĩnh vực như du lịch có thể sẽ không thể sống sót sau đại dịch.
Và, "Mặc dù thế giới đã học cách sống chung với virus, nhưng sự phục hồi hoàn toàn khó có thể xảy ra nếu không có giải pháp y tế lâu dài”, các chuyên gia IMF nhận định.
Đại dịch COVID-19 hiện đã khiến hơn 900.000 người tử vong trên toàn thế giới. IMF cảnh báo, cuộc khủng hoảng do đại dịch sẽ khiến thế giới thiệt hại 12.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2021 và các quốc gia thu nhập thấp gần như tiếp tục vẫn cần được hỗ trợ. IMF cũng kêu gọi Chính phủ các nước phải tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Hiện, IMF đã phân bố các gói hỗ trợ khẩn cấp dành cho 75 quốc gia, trong đó 47 quốc gia có thu nhập thấp và cho biết sẽ sẵn sàng tăng cường thêm các gói hỗ trợ dành cho các quốc gia có thu nhập trung bình.
Tính đến ngày 8/9, thế giới đang có 128 loại vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 đang được phát triển, trong đó 37 loại đã được tiêm thử nghiệm trên cơ thể người sẽ là cơ hội để tìm ra một giải pháp, nhưng "chúng ta phải khẩn trương đưa ra các giải pháp đa phương" để đảm bảo việc cung cấp và phân bổ hợp lý, bà Georgiev4a và Gopinath cho hay./.