Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc)

11:33, 22/11/2020

​Ngày 22-11, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, đang có những dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch thứ 4 đang bùng phát tại đây. Trong khi đó, tính đến 6h ngày 22-11, trên thế giới đã có 58.446.149 ca mắc COVID-19, trong đó 1.385.544 trường hợp tử vong.

Châu Á

Theo Trung tâm bảo vệ sức khỏe Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng trở lại khi ghi nhận 43 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong gần 3 tháng qua. Thống kê cho thấy, 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 21 ca mắc có liên quan đến một số câu lạc bộ khiêu vũ, 13 ca không rõ nguồn lây, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 5.560 trường hợp, trong đó 108 ca tử vong.

Chính quyền Hong Kong cảnh báo số ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây tăng một cách đáng báo động, lưu ý rằng, những người bị nhiễm không tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao và bị lây lan ở các quận khác nhau. 

Tại Iran, chính phủ nước này đã khởi động một kế hoạch phân phát tiền mặt trên quy mô lớn cho gần 30 triệu người dân trong 4 tháng tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran áp đặt quy định hạn chế mới trên phạm vi toàn quốc đối với các hoạt động kinh tế nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, 29,7 triệu người dân sẽ nhận được khoản tiền mặt trực tiếp hằng tháng trị giá 1 triệu rial (tương đương 24 USD) cho đến cuối tháng 3-2021. Theo Tổng thống Rouhani, hình thức này được áp dụng theo kiểu trợ cấp không hoàn lại và sẽ đi kèm với khoản vay trị giá 10 triệu rial sẽ được giải ngân cho 10 triệu hộ gia đình không có thu nhập cố định hằng tháng.

Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Trung Đông. Theo Bộ Y tế Iran, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở nước này từ cuối tháng 2 đến nay đã vượt quá 840.000 người, trong khi số ca tử vong đã lên trên 44.000 trường hợp.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz cho rằng, đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường này. Ông Salman nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và “đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và cũng là để trấn an người dân thông qua việc áp dụng các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này”.

Quốc vương Saudi Arabia lưu ý rằng, lãnh đạo các nước G20 cần hướng tới việc tiếp cận công bằng và giá cả phải chăng đối với vắc xin ngừa COVID-19. Theo ông, 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đã đóng góp 21 tỷ USD để đối phó với COVID-19 và “đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách bơm hơn 11 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp”. Ông cho rằng, các nước G20 cũng nên hỗ trợ các nước đang phát triển để duy trì nhịp độ phát triển.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 261.654 ca tử vong trong tổng số 12.442.583 ca mắc. Đứng sau Mỹ trong danh sách các nước chịu tổn thất nhất về người là Brazil, Mexico.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu người dân không hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19.  Thủ tướng Trudeau kêu gọi người dân đảo ngược diễn biến của dịch bệnh bằng cách ở nhà và hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc. Ông nhấn mạnh, nếu người dân không hành động ngay lập tức, nhiều thế hệ sau này có thể vẫn phải hứng chịu hậu quả. 

Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh, "bảo vệ sức khỏe của người dân là cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế".

Châu Âu

Nga tiếp tục trải qua một ngày có số ca tử vong và mắc COVID-19 cao kỷ lục mới, hai ngày sau khi tổng số ca mắc đã vượt mốc 2 triệu ca. Giới chức y tế Nga thông báo có thêm 24.822 ca nhiễm mới và 476 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga lên 2.064.748 ca và 35.778 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng, tình hình đại dịch ở nước này rất căng thẳng. Trong khi đó, người đứng đầu Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga, bà Anna Popova đánh giá, tình hình dịch COVID-19rõ ràng đang xấu đi. Chuyên gia về vệ sinh dịch tễ của Nga nhấn mạnh, nếu các biện pháp phòng dịch được người dân thực hiện nghiêm túc và vô điều kiện, Nga sẽ không cần phải thực hiện cách ly hay phong tỏa. 

Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki khuyến cáo người dân không nên đi lại nhiều trong dịp Giáng sinh sắp tới, đồng thời, ông cũng thông báo các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gia hạn, ngoại trừ một số cửa hàng được mở cửa trở lại.