Nhấn mạnh trong năm 2019, gần như cứ 1 phút 40 giây lại có một trẻ em hoặc thanh, thiếu niên dưới 20 tuổi bị nhiễm HIV, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi các chính phủ cùng “bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy” các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề HIV ở trẻ em.
Báo cáo mới nhất vừa được UNICEF công bố ngày 25/11 cho thấy các nỗ lực phòng ngừa và điều trị cho trẻ em vẫn là một trong những nỗ lực yếu nhất trong số các nhóm dân số bị ảnh hưởng lớn; và vào năm 2019, chưa đầy một nửa số trẻ em trên thế giới không được tiếp cận với phương pháp điều trị có thể cứu sống chúng.
Gần 320.000 trẻ em và thanh thiếu niên mới bị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và 110.000 trẻ em đã chết vì AIDS trong năm ngoái.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Trẻ em vẫn bị nhiễm ở mức báo động, và chúng vẫn đang chết vì AIDS. Điều này còn xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các dịch vụ điều trị và phòng ngừa HIV, khiến vô số người khác gặp nguy hiểm”.
Các dịch vụ HIV bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Theo UNICEF, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ HIV giúp cứu sống trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai trên khắp thế giới. Và tổ chức này vô cùng quan ngại rằng 1/3 các quốc gia có gánh nặng bệnh tật HIV cao có thể đối mặt với sự gián đoạn liên quan đến virus Corona.
Theo Giám đốc điều hành UNICEF, ngay cả khi thế giới phải vật lộn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu đang diễn ra thì hàng trăm nghìn trẻ em vẫn tiếp tục phải chịu sự tàn phá của đại dịch HIV.
Dữ liệu từ Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), được trích dẫn trong báo cáo cho thấy những tác động đối với các dịch vụ HIV của các biện pháp kiểm soát, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân...
Những thách thức vẫn phải vượt qua
Theo UNICEF, ở một số quốc gia, việc xét nghiệm và điều trị HIV ở trẻ em đã giảm 50– 70%, và việc bắt đầu các phương pháp điều trị mới giảm 25 – 50% vào tháng 4 và tháng 5, trùng với thời điểm nhiều dịch vụ y tế đối với HIV phải ngừng hoạt động một phần và toàn bộ để kiểm soát sự lây lan của virus Corona mới.
Số ca sinh tại các cơ sở y tế và điều trị cho bà mẹ cũng được báo cáo là đã giảm 20– 60%, xét nghiệm HIV ở bà mẹ và bắt đầu điều trị ARV cũng giảm 25 – 50% và các dịch vụ xét nghiệm ở trẻ sơ sinh giảm khoảng 10%.
UNICEF cho biết mặc dù việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát và nhắm mục tiêu chiến lược vào trẻ em và phụ nữ mang thai đã giúp phục hồi các dịch vụ trong những tháng gần đây, nhưng thách thức vẫn còn, và thế giới vẫn còn lâu mới đạt được các mục tiêu toàn cầu năm 2020 về HIV ở trẻ em.
Chênh lệch khu vực
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng cho thấy bất chấp một số tiến bộ trong cuộc chiến chống HIV và AIDS kéo dài hàng thập kỷ, sự chênh lệch vùng sâu sắc vẫn tồn tại trong tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là ở trẻ em.
Trong khi khu vực Trung Đông và Bắc Phi ghi nhận tỷ lệ bao phủ điều trị ARV cho trẻ em là 81% thì tỷ lệ này chỉ là 46% và 32% ở Mỹ Latinh và Caribe, ở Tây Phi và Trung Phi.
Khu vực Nam Á ghi nhận mức độ bao phủ 76%, Đông và Nam Phi 58%, và Đông Á và Thái Bình Dương là 50%./.