Ngoại trưởng Iran thăm Mỹ Latinh: Năng động tăng cường sự hợp tác

19:22, 09/11/2020

Tuần qua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã có chuyến công du tới Mỹ Latinh nhằm tăng cường sự hiện diện và hợp tác tại một khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng trên bản đồ thế giới mà quốc gia Cộng hòa Hồi giáo vẫn luôn duy trì mối quan hệ lâu đời và mạnh mẽ. Giới chuyên gia phân tích quốc tế nhận định, chuyến đi này đã thể hiện sự năng động trong chính sách đối ngoại của Tehran.

Điểm đến trong chuyến công du Mỹ Latinh lần này của quan chức Ngoại giao Iran bao gồm Venezuela, Cuba và Bolivia. Trong những năm gần đây, giới chức Iran không ít lần nhấn mạnh, việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước Mỹ Latinh là một trong những chính sách trụ cột mà chính quyền Tehran đang theo đuổi, hướng tới một mối quan hệ thân thiện và không ngừng phát triển.

Trước thềm chuyến thăm, Phát ngôn viên Saeed Khatibzadeh của Ngoại trưởng Iran đã khẳng định, Cuba và Venezuela nằm trong số các đồng minh chính trị của nước này ở Mỹ Latinh. Hiện, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang lên mức đỉnh điểm sau khi ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Kể từ đó, Tehran phải đương đầu với hàng loạt biện pháp trừng phạt được đánh giá là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Do đó, việc mở rộng hợp tác và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Iran để thoát khỏi thế cô lập, bảo vệ nền kinh tế trước các tác động trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran lần này chính là Venezuela, vốn được đánh giá là đồng minh thân cận nhất của quốc gia Trung Đông ở Mỹ Latinh. Sau khi chào đón người đồng cấp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Jorge Arreaza đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter khẳng định, mỗi chuyến thăm cấp cao là cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và chiến lược giữa hai nước.

Hai quốc gia thành viên sáng lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều đang chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Washington, song vẫn tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí. Nhiều lô hàng mà Iran gửi sang Venezuela để trợ giúp quốc gia này trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu vấp phải sự phản đối của xứ Cờ hoa. Hồi đầu năm nay, Iran đã gửi 2 chuyến tàu chở dầu cùng nhiều chuyến hàng nhân đạo sang Venezuela để giúp nước này.

Sau Venezuela, chặng dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng M.Zarif là Cuba - một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Cộng hòa Hồi giáo Iran và cũng đang chịu sức ép từ các biện pháp cấm vận kéo dài của xứ Cờ hoa.

Trong cuộc hội đàm tại thủ đô La Habana, Ngoại trưởng M.Zarif và người đồng cấp nước chủ nhà Bruno Rodriguez đánh giá, chuyến thăm góp phần thể hiện quyết tâm của chính phủ hai bên trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Đây là cơ hội quan trọng để làm sâu sắc hoạt động đối thoại chính trị cấp cao và hợp tác kinh tế, thương mại…

Phía Cuba cũng gửi lời cảm ơn lập trường trước sau như một của Iran trong việc phản đối lệnh cấm vận của Mỹ đối với nước này. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng hợp tác với đảo quốc anh hùng trong các lĩnh vực, đồng thời khẳng định hai quốc gia đang sát cánh bên nhau trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ Latinh, sau chặng dừng chân tại Venezuela và Cuba, Ngoại trưởng Iran cũng tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Bolivia Luis Arce.

Giới quan sát nhận định chuyến đi của Ngoại trưởng M.Zarif, cũng như những chuyến thăm của các quan chức nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tới khu vực Mỹ Latinh đã thể hiện sự năng động trong chính sách đối ngoại của Tehran, trước áp lực từ môi trường quốc tế đang biến đổi từng ngày.