Tượng đài tưởng niệm Người lính Xô-viết được xây dựng ở làng Khorosevo, thành phố Rzhev thuộc tỉnh Tver, nhằm vinh danh những chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến ở Rzhev.
Hôm nay (7/11), nước Nga kỷ niệm 79 năm cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941 trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow và từ đó những người lính Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu chống lại phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Nhiều trận chiến ác liệt để dành chiến thắng đã đi vào lịch sử như Stalingrad, Leningrad, Moscow, Tula… Trong đó có một nơi còn ít được nhắc tới nhưng chiến thắng ở địa danh này đã góp phần không nhỏ để tạo nên thắng lợi ở các mặt trận quan trọng khác, đó là trận chiến ở thành phố Rzhev, thuộc tỉnh Tver.
Vừa qua, tại đây quần thể Đài tưởng niệm Người lính Xô-viết đã được khánh thành, nhân dịp kỷ niệm 75 Chiến thắng. Người dân Nga từ khắp nơi đã và đang đến thăm tượng đài và không ai nén nổi xúc động.
Người dân mang hoa đến đặt tại tượng đài
Tượng đài tưởng niệm Người lính Xô-viết được xây dựng ở làng Khorosevo, thành phố Rzhev thuộc tỉnh Tver, nhằm vinh danh những chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến ở Rzhev. Công trình này bắt đầu được xây dựng từ năm 2017 theo sáng kiến của các cựu chiến binh và bằng tiền quyên góp, mà không cần đến ngân sách Nhà nước. Tượng đài là tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao 25m, được đúc kết từ 600 chi tiết với khoảng 80 tấn đồng đặc biệt, nằm trên ngọn đồi cao 10m, trong một quần thể trang nghiêm với diện tích bốn héc-ta. Bao quanh quần thể tượng đài là những bức pa-nô rộng lớn ghi lại hình ảnh hơn 420 ngày đêm Hồng quân và người dân Rzhev kiên cường giành lại từng tất đất, đẩy lui quân thù, bảo vệ vững chắc thủ đô Moscow. Những tấm thép vững chãi, khắc tên của triệu triệu người đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng 9/5, được dựng zích zắc hai bên bức tượng đài, tạo thành một khuôn viên rộng lớn, như ôm lấy người lính đứng trên ngọn đồi cao.
Trong tiếng nhạc trầm buồn, từng đoàn, từng đoàn người mang theo những bông cẩm chướng đỏ, những vòng hoa đến đặt bên tượng đài, cúi đầu tưởng niệm Người lính Xô-viết. Có người đến đây lần đầu, có người đến tới lần thứ 5-6 để tưởng nhớ về những chiến công của ông, cha, của những người lính Hồng quân đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Xen lẫn trong cảm xúc tự hào của họ là nỗi buồn trước những mất mát quá lớn về người, nỗi đau có lẽ chạm đến từng gia đình.
Những tấm thép dựng bao quanh tượng đài khắc ghi tên của những người lính đã hy sinh ở Rzhev
Tưởng nhớ những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945
Chia sẻ với chúng tôi, ông Viacheslav từ thành phố Saint.Peterburg, ông Andrei từ thành phố Zelenograd ở ngoại ô Moscow đều không giấu được tiếng thở dài và cố ngăn những giọt nước mắt trực trào: “Tôi rất buồn, tôi không thể nói gì được…Một mặt là niềm tự hào trước những chiến công, vinh quang, nhưng mặt khác là sự hy sinh, mất mát quá nhiều người. Rất tiếc là điều đó đã xảy ra. Tôi mong, sẽ không bao giờ lặp lại nữa…”
“Tôi rất buồn, mất mát quá nhiều người… Một tượng đài rất đẹp. Tôi không thể nói gì nữa!”
Còn bà Elena cùng các con đến từ thành phố Voronhez cảm thấy rất tự hào: “Tất cả chúng tôi đều tự hào, những người lính Nga của chúng tôi đã chiến thắng, chiến thắng một cách xứng đáng. Bởi vậy chúng tôi tôn kính những người lính này…”
Phát biểu tại lễ khánh thành Tượng đài Người lính Xô viết hồi cuối tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga V.Putin đã nhắc nhớ về “cối xay thịt Rzhev” khủng khiếp, với những trận chiến khốc liệt, mệt mỏi, tuyệt vọng đã diễn ra ở những nơi này trong nhiều tháng(từ tháng 1/1942 đến tháng 3/1943). Cuộc đấu tranh giành giật từng lùm cây, từng gò đồi, từng mét đất. Theo lời nhà lãnh đạo Nga, không thể không đau lòng trước những mất mát mà đoàn quân áo đỏ phải gánh chịu tại đây. Hơn một triệu ba trăm nghìn người đã bị giết, bị thương, mất tích - một con số khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi.
Ý nghĩa của trận chiến đẫm máu kéo dài này đối với chiến thắng của nhân dân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít là vô cùng to lớn. Các trận chiến gần Rzhev, từng bước, ngày này qua ngày khác, đưa đến gần hơn kết quả thắng lợi của Trận Stalingrad, bước đột phá được chờ đợi từ lâu trong cuộc phong tỏa Leningrad, giải phóng Belarus, Ucraina, các quốc gia vùng Baltic, bước ngoặt quyết định, cuối cùng trong toàn bộ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tổng thống V.Putin nhấn mạnh: “Đài tưởng niệm Rzhev là thêm một biểu tượng ký ức chung của chúng ta, một biểu tượng của sự khâm phục những chiến công vĩ đại và quên mình của người lính anh hùng, người lính giải phóng, người lính chiến thắng, người lính đã cứu châu Âu và toàn thế giới khỏi chủ nghĩa phát-xít. Thời gian không có sức mạnh đối với chiến công này, và nó không bao giờ, không thể bị lãng quên…”.
Sàn Bảo tàng làm bằng kính để có thể nhìn thấy các vật dụng trưng bày ở phía dưới.
Người dân có thể tra cứu thông tin về những người lính tham gia mặt trận Rzhev.
Một số hiện vật trưng bày trong Bảo tàng
Lấy cảm hứng sáng tác từ các bộ phim “Bài ca người lính”, “Khi đàn sếu bay qua”, bài thơ đã được phổ nhạc “Đàn sếu” của Rasul Gamzatov và bài thơ nổi tiếng của Alexander Twardowski “Tôi bị giết ở ngoại ô Rzhev”, tác giả công trình, nhà điêu khắc Andrei Korobtsov đã dành ba năm để hoàn thiện hình dáng của người lính, với chiếc áo khoác trận mạc trên vai, khẩu súng trên tay, đứng cúi đầu nhìn xuống thành phố. Và người dân đến bên tượng đài mỗi ngày, ngước nhìn lên.
Khuôn mặt của người lính với nét biểu cảm rõ ràng, sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình để bảo vệ đất nước và dân tộc. Hình bóng người lính in trên nền trời và những cánh hạc kết lại dưới vạt áo chinh chiến bạc màu của anh, như đưa tiễn anh bay lên trời cao, như lời thơ của Rasul Gamzatov: “Tôi cảm giác đôi khi những người lính/ Từ chiến trường đẫm máu chẳng quay về/ Không nằm xuống ở trong lòng đất lạnh/ Mà hóa thành đàn sếu trắng bay đi”…
Hình ảnh Người lính Xô-viết sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Nga, cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.
Trong khuôn viên rộng 4ha của quần thể đài tưởng niệm Người lính Xô viết còn gồm các gian bảo tàng và triển lãm. Bảo tàng được trang bị các thiết bị đa phương tiện để du khách có thể xem các bức ảnh, thư từ, câu chuyện và hồi ký của những người tham gia trận chiến Rzhev. Điểm đặc biệt của bảo tàng là sàn làm bằng kính để có thể nhìn thấy vũ khí, mũ bảo hiểm, đạn, đạn pháo, lựu đạn và các vật dụng khác khai quật xung quanh khu vực đài tưởng niệm./.