Mở rộng trọng tâm Nam Á từ Afghanistan sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Các chuyên gia cho rằng, đấy là chiến lược thiết yếu mà chính quyền Biden sẽ cần để đối phó Trung Quốc.
Chính quyền sắp tới của Mỹ dưới thời Joe Biden có lẽ sẽ cần bớt chú trọng vào cuộc chiến ở Afghanistan và chú ý nhiều hơn đến Nam Á nói chung, đặc biệt là Ấn Độ, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn khi muốn “để mắt” tới Trung Quốc. Đó là nội dung trong báo cáo do một tổ chức lưỡng đảng được quốc hội Mỹ tài trợ đưa ra mới đây.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh thúc đẩy một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm đối phó một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) đã công bố báo cáo “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các cuộc xung đột ở Nam Á”. Báo cáo được xem như “bản chỉ dẫn đối với chính quyền tiếp theo ở Mỹ khi muốn thúc đẩy phần Ấn Độ của chiến lược này”.
Thay đổi trọng tâm chiến lược Nam Á
Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện công bố báo cáo được tổ chức trực tuyến, ông Richard Olson, cựu Đại sứ Mỹ tại Pakistan, nói rằng trong phần lớn thời gian hai thập kỷ qua, “chính sách của Mỹ đối với Nam Á chủ yếu bị đóng khung bởi cuộc chiến ở Afghanistan và chính sách chống khủng bố nói chung”.
“Điều này đang thay đổi vì một số lý do. Đó là bởi vì chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối cùng ở Afghanistan và quan trọng hơn, có một sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Mỹ rằng một Trung Quốc ngày càng gây hấn... thường theo đuổi các chính sách trái ngược với lợi ích của Mỹ”, ông Olson nói.
Báo cáo cho rằng, Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng ở Nam Á để đưa khu vực này trở thành một phần quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; thắt chặt quan hệ với Ấn Độ; tập trung vào “hiệu quả quân sự” trong mối quan hệ của các nước thuộc nhóm Tứ giác bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ; đồng thời điều chỉnh lại mối quan hệ theo hướng “khiêm tốn hơn” với một Pakistan ngày càng thân Trung Quốc.
Báo cáo cũng kêu gọi Nhà Trắng thành lập Ban chỉ đạo điều phối chính sách hàng hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia. Đó sẽ là một ủy ban chịu trách nhiệm điều phối chính sách của Mỹ liên quan đến các vấn đề hàng hải và vùng ven biển…
Khuyến cáo của USPI cũng bao gồm cả việc thành lập một Ủy ban đánh giá tình báo quốc gia về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và các khu vực ven biển của nước này. Các thông tin tình báo sẽ được chia sẻ với các đồng minh và đối tác khi thích hợp.
Cũng theo báo cáo của USPI, biên giới Trung-Ấn sẽ vẫn là một điểm nóng quan trọng. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ “trở nên cạnh tranh hơn” và “tìm cách hợp tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể mở rộng mục tiêu địa chính trị của mình để bắt kịp hoặc thay thế Mỹ và Ấn Độ trở thành lực lượng hàng hải có năng lực nhất ở khu vực Ấn Độ Dương.
Dè chừng với trục Pakistan-Trung Quốc
Các tác động bên lề của mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh và Islamabad cũng là mối đe dọa đối với Mỹ. Báo cáo cho rằng, trục Trung Quốc-Pakistan đang ngày càng mạnh lên, đặc biệt đi kèm với các dự án phát triển mà Bắc Kinh tài trợ cho Islamabad.
Báo cáo cũng tìm ra “điểm chung” cho Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan ở Afghanistan, cho rằng cả 3 nước sẽ tìm cách gia tăng các bước đi nhằm giúp duy trì hòa bình và tăng trưởng kinh tế ở quốc gia Nam Á này sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Nhóm nghiên cứu của USIP cũng nêu “các ưu tiên chiến lược lớn” của Trung Quốc đối với Nam Á là “bảo vệ các vùng lãnh thổ phía tây; kiểm soát sự cạnh tranh Trung-Ấn; và đảm bảo vị thế của Trung Quốc như một đối thủ ngang hàng với Mỹ”.
Báo cáo cũng lưu ý về “mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hàng thập kỷ” của Trung Quốc với Pakistan và việc Trung Quốc ngày càng chú trọng phát triển sức mạnh hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, ông Patrick Cronin, Chủ tịch an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh vào sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông cho rằng, đây là một trong những đầu tàu trong chính sách Nam Á của Bắc Kinh.
"Với Sáng kiến Vành đai và Con đường và lực lượng hải quân nước xanh dương [lực lượng có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà-ND] hiện chỉ đứng sau Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang rất tích cực gia tăng ảnh hưởng ở Nam Á và Ấn Độ Dương. Mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc là đưa nước này lên vị trí hàng đầu sau một thế kỷ đẩy lùi các cường quốc”, ông Cronin nói.
Theo ông Cronin, để hoàn thành mục tiêu này, Trung Quốc cần phải đảm bảo 3 yếu tố: an ninh nội bộ và đoàn kết trong nước, ưu thế ở ngoại vi, và kiểm soát lục địa Á-Âu cùng các tuyến hàng hải quá cảnh quan trọng.
“Tất cả những yếu tố này đều giao cắt ở Nam Á”, ông Cronin nói.