Năm 2020 đã chứng kiến những thảm họa chưa từng có tiền lệ từ các vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại California (Mỹ) hay nạn châu chấu tại Ethiopia, cho tới tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục do tác động của đại dịch COVID-19 đến biến đổi khí hậu, khiến chuỗi sản xuất thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói kém.
Nhiều người quan ngại bước sang năm 2021, tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi dịch COVID-19 và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm trầm trọng hơn các nguy cơ liên quan đến xung đột và đói nghèo tại nhiều khu vực trên thế giới.
Ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết thậm chí ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát, 135 triệu người đã đứng trước nguy cơ thiếu ăn. Con số này có thể tăng lên 270 triệu người chỉ trong vài tháng tới.
Tháng 4 vừa qua, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Beasley đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với một "đại dịch đói" và "tình trạng khan hiếm trên diện rộng". Những gì đang diễn ra hiện nay đã trở thành những bằng chứng củng cố cho cảnh báo của ông Beasley khi một loạt nước trong đó có Burkina Faso, Nigeria, Nam Sudan và Yemen phải đối mặt với nạn đói, trong khi tác động của dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệ" ở nhiều nơi.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), bà Ismahane Elouafi, cho biết đến nay, các nông dân và cư dân nghèo thành thị vẫn phải gánh chịu tác động của đại dịch. Điều này có nghĩa tình trạng bất bình đẳng giữa các nước thậm chí ngay trong cùng một nước có thể trầm trọng hơn trong năm 2021. Việc mối liên kết giữa các thị trường bị cắt đứt cùng sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng khiến nông dân phải chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm trong khi các lao động không chính thức ở thành thị, vốn chỉ biết kiếm sống qua ngày, đã rơi vào cảnh không có việc làm khi các chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa. Hệ quả là hàng triệu người, từ Texas (Mỹ), Geneva (Thụy Sĩ) đến Bangkok (Thái Lan) và Accra (Ghana) đã lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí.
Người tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Diffa, Niger. Ảnh: AFP/TTXVN
Chưa kể, theo tính toán của Tổ chức Oxfam, có tới hơn 50 triệu người ở Đông và Trung Phi đã đề nghị cứu trợ lương thực khẩn cấp. Con số trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khu vực này còn phải chịu hạn hán nghiêm trọng liên quan đến hiệu ứng La Nina và nạn châu chấu. Bà Agnes Kalibata, đặc phái viên LHQ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực 2021, cho biết khi năm 2020 được dự báo sẽ trở thành một trong những năm nóng nhất lịch sử, nông dân châu Phi đã phải hứng chịu những hiện tượng khí hậu cực đoan và nạn sâu bọ phá hoại mùa màng. Do đó, tác động kép của khí hậu cực đoan và dịch COVID-19 sẽ khiến những thiếu sót trong hệ thống lương thực toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Hai báo cáo gần đây của LHQ cũng cho thấy đại dịch COVID-19 có thể khiến tình trạng đói nghèo gia tăng. Theo đó, trong năm 2021, cứ 33 người thì lại có 1 người cần cứu trợ nhân đạo những nhu cầu cơ bản như lương thực và nước sạch, tăng 40% so với năm 2020. Đến năm 2030, khoảng 1 tỷ người có thể bị đẩy vào cảnh cơ cực. Nói như ông Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về phát triển và biến đổi khí hậu tại Bangladesh, dịch COVID-19 là "điềm báo" về những gì mà khủng hoảng khí hậu sẽ mang tới cho nhân loại. Theo ông, việc tìm ra vaccine sẽ giúp loài người khống chế được virus SARS-CoV-2, song chắc chắn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ rất lâu dài.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cho rằng các hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu thường tập trung vào việc cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong ngành năng lượng và vận tải, song thực tế, hệ thống chế biến thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng có thể kiểm soát. Nghiên cứu cảnh báo ngay cả khi lượng khí phát thải từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch được loại bỏ hoàn toàn, ngành sản xuất thực phẩm vẫn có thể đẩy mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên trên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Chủ trì nghiên cứu, ông Michael Clark, khẳng định việc thay đổi hệ thống lương thực toàn cầu - vốn cực kỳ phức tạp - vẫn đang là thách thức lớn. Ông cho rằng để giúp ngành sản xuất thực phẩm trở nên bền vững hơn, con người cần tập trung vào cách thức trồng trọt, những gì đang được tiêu phụ và các biện pháp nhằm giảm thiểu sự thất thoát và lãng phí.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc giảm thiểu nạn đói. Như chia sẻ của ông Beasley, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy khả năng ứng phó nhanh nhạy hơn và phối hợp nhịp nhàng hơn trên bình diện quốc tế trong các lĩnh vực như khoa học và công nghệ có thể giúp giải quyết vấn đề trên. Lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh đã khiến các nước giàu thay đổi thái độ về tình trạng lãng phí thực phẩm và tiêu thụ thịt - hai yếu tố làm gia tăng lượng khí gây phát thải hiệu ứng nhà kính.
Bà Jessica Fanzo, chuyên gia về đạo đức và chính sách lương thực toàn cầu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng trên thực tế đã có những giải pháp nhằm hỗ trợ hệ thống lương thực bền vững và thân thiện với môi trường, như sử dụng rong biển làm thức ăn chăn nuôi gia súc để giảm lượng khí methane và chế độ tiêu thụ thức ăn có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, theo bà, cần có một quyết tâm chính trị để thúc đẩy các giải pháp. Bên cạnh đó, con người cần tự giác ưu tiên cho những thay đổi trên, đồng thời hy vọng thế hệ trẻ sẽ hành động để tạo ra những thay đổi mang tính tham vọng hơn.