Ngày 9/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đồng thời gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này ngay lập tức và vô điều kiện.
Theo quan điểm của ông Triệu Lập Kiên thì Mỹ cần hoàn tất các nghĩa vụ của nước này theo bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran và nhóm P5+1 (gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký kết năm 2015 – còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden cần thực hiện các bước đi cụ thể để gây dựng trở lại niềm tin trong quan hệ với Iran.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, ông Triệu Lập Kiên nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ quay trở lại và tiếp tục tuân thủ JCPOA càng sớm càng tốt, gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan, thực hiện các hành động cụ thể để hoàn tất các nghĩa vụ của nước này, đồng thời thúc đẩy quá trình giải quyết chính trị vấn đề hạt nhân Iran, cũng như bảo đảm tình hình ổn định và hòa bình khu vực”.
Thông điệp trên được ông Triệu Lập Kiên đưa ra chỉ ít ngày sau khi ông Jake Sullivan – người vừa được Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden bổ nhiệm vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia đã để ngỏ khả năng Mỹ sẽ khôi phục JPCOA và có động thái gây sức ép để buộc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, nhằm đặt nền móng cho tiến trình đàm phán diễn ra sau đó giữa hai nước về các vấn đề ở phạm vi rộng lớn hơn.
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA và nối lại các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Iran. Không chỉ dừng lại ở đó, Mỹ còn thực hiện một chiến dịch gây sức ép tối đa nhằm vào Iran, thông qua việc hối thúc các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử đưa ra hành động tương tự và chấm dứt các hoạt động giao thương với Iran.
Tuy nhiên, triển vọng cải thiện mối quan hệ Mỹ-Iran đã hé lộ khi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020, ông J.Biden đã từng nhiều lần khẳng định cam kết sẽ quay trở lại bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử vốn từng được coi là một “thành tựu ngoại giao” dưới thời Tổng thống tiền nhiệm B.Obama.
Về phía chính phủ Iran vẫn khẳng định giữ vững cam kết với JCPOA ngay cả sau khi Mỹ đã rời bỏ bản thỏa thuận. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã đình chỉ một số nghĩa vụ trong thỏa thuận nhằm trả đũa các bước đi của Mỹ, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo các nước châu Âu còn tham gia JCPOA, gồm: Pháp, Anh và Đức nhằm bảo đảm các hoạt động thương mại với Iran. Chính quyền Tehran đã nhiều lần tuyên bố sẽ đảo ngược các biện pháp trả đũa ngay sau khi được hưởng lợi ích kinh tế theo như tinh thần mà JCPOA đã nói tới.
Theo tính toán của một số chuyên gia, hiện Iran chỉ còn cần tới vài tháng nữa để có thể sở hữu đủ nhiên liệu hạt nhân cần thiết nhằm phục vụ cho việc chế tạo vũ khí. Tình hình được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran – ông Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại hồi tháng trước.
Cho tới nay, Iran vẫn tỏ rõ quan điểm thận trọng trước những thông tin về khả năng Mỹ sẽ quay trở lại JCPOA. Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter vào tháng trước, Ngoại trưởng Iran Javad Jarif nêu rõ: “Mỹ vẫn là một thành viên của Liên hợp quốc. Và nếu như nước này tuân thủ các nghĩa vụ trong bản nghị quyết UNSCR 2231 thì chúng tôi cũng sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của chúng tôi trong JCPOA…Nếu như Mỹ tìm kiếm cơ hội quay trở lại JCPOA thì chúng tôi cũng sẵn sàng đàm phán về các điều khoản để nước Mỹ có thể khôi phục quy chế là một bên tham gia thỏa thuận”./.