Phía Trung Quốc cho rằng nếu thông tin này là chính xác thì đây là ví dụ về việc Mỹ lạm dụng sức mạnh để trấn áp các công ty của Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 18-12 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân cho biết, nếu thông tin của hãng Reuters về việc Mỹ tiếp tục cấm vận thêm 80 công ty Trung Quốc là chính xác, thì đây là ví dụ rõ ràng về việc Mỹ lạm dụng sức mạnh quốc gia để trấn áp các công ty Trung Quốc. Ông Uông cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này của Mỹ.
Người phát ngôn Uông Văn Bân nhấn mạnh: Việc Mỹ chính trị hóa vấn đề kinh tế thương mại là đi ngược lại với các tuyên bố của Mỹ về kinh tế thị trường cũng như nguyên tắc cạnh tranh công bằng, vi phạm các nguyên tắc của thương mại quốc tế, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà cũng không phù hợp với lợi ích của các công ty Mỹ. Động thái của Mỹ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động giao lưu khoa học kỹ thuật, thương mại thông thường giữa hai nước mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới, là hành động phá hoại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng ngay các hành động sai lầm trong việc trấn áp vô cớ các công ty Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công ty nước này.
Hãng Reuters của Mỹ hôm 17-12 đưa tin, nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục cấm vận 80 công ty Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC.
Trước đó, ngày 12-11, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc mà Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc có liên quan với quân đội Trung Quốc. Như vậy, nếu Mỹ tiếp tục cấm vận thêm 80 công ty của Trung Quốc thì đây được coi là những nỗ lực cuối cùng của ông Trump nhằm củng cố di sản cứng rắn với Trung Quốc trước khi ông này rời khỏi Nhà trắng vào ngày 20-1 tới.