Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin được cho là đảo ngược “tông giọng” của ông Trump, đồng thời hé lộ về những thay đổi trong quan hệ Nga – Mỹ.
Cuộc điện đàm đầu tiên Biden - Putin
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên hôm 26/1 tập trung vào những vấn đề lớn mà hai bên cùng quan tâm. Mặc dù phía Washington và Moscow nhấn mạnh đến những vấn đề khác nhau song cả hai bên đều cho thấy mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ được định hướng rõ ràng, ít nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Hai bên đã nhất trí sẽ nhanh chóng hoàn tất việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START vào tháng tới. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi 2 hiệp ước kiểm soát vũ trang quan trọng với Nga và hiệp ước cuối cùng New START cũng đang trên bờ vực sụp đổ.
Không giống như những người tiền nhiệm gần đây, bao gồm cả Tổng thống Trump, ông Biden không hy vọng sẽ "tái thiết" quan hệ Nga - Mỹ mà thay vào đó muốn giải quyết những khác biệt.
Với một chương trình nghị sự tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước và những quyết định đang để ngỏ với Iran và Trung Quốc, sự đối đầu trực tiếp với Nga không phải là những điều Tổng thống Mỹ tìm kiếm.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nhất trí sẽ hợp tác để gia hạn Hiệp ước New START trước khi thỏa thuận này hết hạn ngày 5/2 tới và tìm kiếm những khía cạnh khác cho sự hợp tác chiến lược tiềm năng nhưng Nhà Trắng cho biết, ông Biden vẫn có lập trường rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ với phía Ukraine xoay quanh vấn để Crimea.
Ông Biden cũng nêu ra những vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi trong quan hệ hai nước, chẳng hạn như cuộc tấn công mạng của SolarWinds với cáo buộc có sự tham gia của Nga hay việc Nga treo thưởng để giết quân Mỹ ở Afghanistan, cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2020 và vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny.
"Tổng thống Biden khẳng định rằng Mỹ sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ các lợi ích quốc gia nhằm phản ứng trước những hành động của Nga nếu nước này gây tổn hại đến các đồng minh của chúng tôi", Nhà Trắng cho hay.
Theo các quan chức Mỹ, tuần trước, Nga đã yêu cầu một cuộc điện đàm giữa 2 bên và mặc dù ông Biden đồng ý nhưng ông muốn chuẩn bị nhân sự và trao đổi với các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp và Đức trước khi tiến hành cuộc điện đàm này.
Trước khi trao đổi với ông Putin, ông Biden cũng đã gọi điện cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để khẳng định cam kết của Mỹ với liên minh truyền thống, vốn được coi là một "bức tường thành" chống Nga này.
Thông báo của điện Kremlin về cuộc điện đàm trên mặc dù không đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa 2 bên song khẳng định rằng các nhà lãnh đạo đã thảo luận cả về những vấn đề nhạy cảm trong các chương trình nghị sự quốc tế và song phương.
Thông báo này cũng miêu tả cuộc điện đàm trên là "thẳng thắn và thực tế" - một cách nói theo hướng ngoại giao cho các cuộc trao đổi căng thẳng. Phía Nga cũng cho biết ông Putin đã chúc mừng ông Biden là tổng thống kế nhiệm và "khẳng định rằng việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ sẽ phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia".
Đảo ngược “tông giọng” của Trump
Nhìn chung, những cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thường gây chú ý bởi những căng thẳng giữa 2 quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cuộc điện đàm trên đã làm nổi bật những khác biệt cả về lập trường và thái độ giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Alina Polyakova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu ở Washington nhận định: "Cuối cùng chúng ta đã có một tổng thống sẽ đối đầu trực tiếp với ông Putin về những vấn đề thực chất".
Theo nhà phân tích Alex Ward đánh giá trên Vox, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin không chỉ đánh dấu một "tông giọng mới" mà còn cho thấy một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Mỹ.
Nếu ông Biden muốn trở thành một tổng thống tạo ra sự thay đổi trong cả chính sách đối nội và đối ngoại, ông sẽ cần nắm bắt cơ hội để làm tan băng quan hệ hiện tại với Moscow. Do đó, sẽ không mấy bất ngờ nếu ông Biden thúc đẩy việc tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin ở châu Âu vào năm nay.
Việc duy trì quan hệ hòa hợp với Nga sẽ cho phép ông Biden tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hạn chế mối đe dọa với NATO và đạt được một giải pháp thực sự về vấn đề Ukraine. Dù theo cách nào, Tổng thống Biden, người vẫn đang bận rộn với việc khôi phục nền kinh tế, gần như sẽ không lao vào một cuộc khủng hoảng mới về chính sách đối ngoại với Nga.
Trên thực tế, cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã phần nào hé lộ lập trường của chính quyền ông Biden trong quan hệ với Nga. Tổng thống Mỹ vẫn sẽ duy trì chính sách cứng rắn với điện Kremlin trong một số vấn đề song sẽ nỗ lực để hợp tác để giải quyết những mối quan tâm chung. Sự tham vấn và hợp tác với đồng minh cũng là trọng tâm trong chính sách của ông Biden và là một sự đảo ngược mạnh mẽ những quan điểm của chính quyền tiền nhiệm. Những sức ép trong nước trên nhiều phương diện ở thời điểm này cũng như cuộc đối đầu Mỹ - Trung rõ ràng sẽ khiến ông Biden có một hướng tiếp cận linh hoạt và đa chiều hơn với Nga.