Đến sáng 7/1, thế giới có tổng số 87.600.723 ca nhiễm và 1.889.177 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 762.403 và 13.749 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 7/1, đã có 63.116.523 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.595.023 ca bệnh đang điều trị, có 22.486.099 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 108.924 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 242.519 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (62.532 ca) và Anh (62.322 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.728 ca, sau đó là Brazil (1.266 ca) và Mexico (1.065 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ đã tăng rất nhanh trong 24 giờ qua, khi có thêm 271.067 ca nhiễm COVID-19 và 5.052 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 24.960.691 và 535.002 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Với 21.838.834 ca nhiễm và 369.611 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.466.490 và 626.800 ca nhiễm, cùng 128.822 và 16.369 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, hiện ở mức 24.938.869 ca, trong đó có 570.005 ca tử vong và 13.385.421 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 267.656 ca nhiễm và 5.417 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 3.308.601; 2.836.801 và 2.705.618 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 77.346 ca, sau khi có thêm 1.041 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (76.877 ca) và Pháp (66.565 ca).
Với 21.142.712 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 7/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 344.072 ca đã tử vong do COVID-19 và 19.648.591 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.395.938; 2.283.931 và 1.261.903 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 150.372; 22.070 và 55.830 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 102.522 ca nhiễm và 1.935 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 13.579.179 ca và 369.901 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 62.532 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 7.874.539 vào thời điểm hiện tại, và 1.266 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 199.043 ca.
Tính đến sáng 7/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 2.929.778 ca, trong đó có 69.116 ca tử vong và 2.407.081 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.149.591 ca nhiễm và 30.524 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 21.832 ca nhiễm mới nhưng không có ca tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 447.081 và 149.881 ca nhiễm bệnh cùng 7.618 và 5.004 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 48.773 ca nhiễm (tăng 60 ca) và 1.066 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.536 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bào chế và phát triển. Như vậy, vaccine của Moderna đã trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị cấp phép lưu hành, sau vaccine Pfizer/BioNTech nhận được sự ủng hộ của cơ quan này ngày 21/12/2020.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phân lập thành công biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản cho biết biến thể mới được phân lập từ các mẫu vật lấy từ những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ở các trạm kiểm dịch tại sân bay trong tháng 12/2020. Các nhà nghiên cứu đã phân tích gene của các mẫu vật và xác nhận chúng giống như biến thể đang hoành hành ở Anh. Ngoài ra, họ đã công bố hình ảnh của biến thể mới này trên kính hiển vi điện tử. NIID dự định cung cấp biến thể đã được phân lập này cho các cơ sở nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước để họ có thể nghiên cứu sự khác biệt về khả năng lây nhiễm và gây bệnh của biến thể này so với các biến thể đã xuất hiện trước đó của virus SARS-CoV-2./.