Mặc dù “thở phào” trước những cam kết về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden nhưng châu Âu cũng đầy “hoài nghi” sau khi trải qua 4 năm đầy biến động của ông Trump.
Cú “thở phào” của châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5-2. Sau 4 năm nước Mỹ và thế giới trải qua "chủ nghĩa Trump", chính quyền mới của ông Biden đang tìm cách củng cố lại vị trí của Mỹ trong nước cũng như trên thế giới.
"Nước Mỹ đã quay trở lại. Nền ngoại giao đã quay lại. Các bạn là trung tâm của tất cả những điều tôi định hướng tới".
Tổng thống Biden đã khẳng định như vậy sau các cuộc điện đàm với hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới. Ông Biden và chính quyền của ông hy vọng sẽ "bắt đầu tái hình thành thói quen hợp tác và xây dựng lại sức mạnh của các liên minh bị phớt lờ và xem nhẹ trong 4 năm qua".
Đây là một dấu hiệu được nhiều nước trên thế giới hoan nghênh. Ông Biden đã gia nhập lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Ngày 4-2, chính quyền của ông Biden đã thông báo kế hoạch sẽ khôi phục chương trình tái định cư cho người tị nạn ở Mỹ với một mức độ cao hơn các chính quyền tiền nhiệm, thậm chí là so với cả thời chính quyền cựu Tổng thống Obama.
Nhắc lại những tuyên bố tranh cử, ông Biden khẳng định sẽ thúc đẩy nền dân chủ trong nước và quốc tế, sằn sàng đối phó với Nga và Trung Quốc.
Rõ ràng, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều "thở phào" trước tầm nhìn và những cam kết của chính quyền Mỹ mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Tổng thống Biden trong các vấn đề quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan dưới thời cựu Tổng thống Trump và những gì trải qua sau Brexit đã khiến các nhà lãnh đạo ở Berlin, Paris và Brussels nhận ra châu Âu cần có một hướng tiếp cận độc lập hơn và xây dựng khả năng tự lực cánh sinh mạnh mẽ hơn sau hơn nửa thế kỷ núp dưới chiếc ô an ninh của Mỹ.
Bình luận trong một cuộc đối thoại với Hội đồng Đại Tây Dương hôm 4-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh những lập trường của Tổng thống Biden song cũng nhấn mạnh về tầm nhìn "chủ quyền châu Âu", khi mà châu lục này tự chủ hơn về an ninh và chủ động hơn trong các cuộc khủng hoảng với các khu vực láng giềng, từ Bắc Phi cho tới các vùng tiếp giáp với Nga.
Hoài nghi Mỹ, châu Âu tìm cách “tự lực cánh sinh”
Nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra sự dịch chuyển chiến lược về lập trường của châu Âu. Cuộc bạo loạn vào Tòa nhà Quốc hội hôm 6-1 không chỉ phản ánh những biến động của chính trường Mỹ mà ở một mức độ nào đó, sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước này có thể định hình lại chính sách đối ngoại của châu Âu trong tương lai.
"Bài học rút ra được từ diễn biến trên ngoài việc nước Mỹ bị chia rẽ thì còn là chúng ta cần phải tập trung nhiều hơn vào sự đoàn kết của châu Âu", Anna Stahl, một nhà phân tích tại Berlin cho hay.
Tổng thống Macron cho biết châu Âu sẽ thận trọng khi ở trong những tình huống mà các nước này phải phụ thuộc vào việc ra quyết định của Mỹ bởi vì quyết định của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những chính sách đối nội và rõ ràng chúng sẽ phục vụ cho lợi ích của Mỹ thay vì châu Âu.
Câu hỏi về chính sách của châu Âu với Trung Quốc cũng là một chủ đề đáng quan tâm. Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh tương tự người tiền nhiệm và thường xuyên có những cuộc trao đổi ở Washington về việc xây dựng một liên minh để có thể đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.
Dù vậy, đây không phải điều châu Âu hào hứng quan tâm.
"Tôi rất muốn tránh tham gia vào việc xây dựng các khối liên minh", Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tuần trước, đồng thời cho rằng các nước châu Âu không nhất thiết phải tự đặt mình vào tình huống lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc liên minh với bên này chứ không liên minh với bên kia.
Tổng thống Macron cũng tán thành với quan điểm này khi hôm 4-2 nhận định rằng viễn cảnh "tất cả chúng ta tham gia vào nỗ lực nhằm chống lại Trung Quốc" sẽ gây "phản tác dụng". Cùng lúc đó, ông cũng bác bỏ nhận định rằng châu Âu coi mình là một bên trung lập trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Trung Quốc, theo cách miêu tả của ông Macron vẫn là một "đối thủ" và một "kẻ thù có hệ thống" của châu Âu, thậm chí cả khi nước này có thể là "đối tác" với châu Âu trong hành động toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số nhà phân tích gần đây đã nêu ra việc thỏa thuận đầu tư mà EU ký kết với Trung Quốc đã diễn ra mà không có sự tham vấn với chính quyền ông Biden.
"Châu Âu có quan điểm rất rõ ràng. Các vấn đề về Tân Cương, Hong Kong (Trung Quốc), những đe dọa quân sự gia tăng trong và xung quanh vấn đề Biển Đông ít quan trọng với các nhà ra chính sách châu Âu hơn so với các lợi ích về thương mại", nhà phân tích Walter Russell Mead nhận định trên Wall Journal Street./.