Bất chấp việc kế thừa thách thức lớn từ chính phủ tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden vẫn có cơ hội để điều chỉnh chính sách về Biển Đông.
Giữ vững mục tiêu, thay đổi chiến lược
Sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Mỹ Biden phải đối phó với một trong những thách thức vô cùng lớn đó là vấn đề Biển Đông.
Dưới thời Donald Trump, cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề Biển Đông tương đối cứng rắn. Ông Trump đã đảo ngược lập trường trung lập và thận trọng của các chính phủ tiền nhiệm đối với phán quyết của Tòa án Quốc tế cùng các yêu sách trên Biển Đông, phản đối mạnh mẽ hành động của Bắc Kinh, tăng cường hoạt động tự do hàng hải. Đối mặt với lập trường cứng rắn của Washington, Trung Quốc ngày càng ngang nhiên khẳng định các yêu sách chủ quyền, thậm chí đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy quân đội hai bên tham gia vào một trò chơi “đuổi bắt” với những tình huống cận kề nguy hiểm.
Bất chấp việc kế thừa thách thức lớn từ chính phủ tiền nhiệm, ông Biden và điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell vẫn có cơ hội để điều chỉnh chính sách về Biển Đông. Theo giới phân tích, chính quyền mới của Tổng thống Biden có thể theo đuổi cách tiếp cận vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, lại vừa khôi phục lòng tin, thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và tăng cường quyền lực mềm bằng cách phối hợp với các nước Đông Nam Á.
Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs khi còn thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden viết rằng: “Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”. Ông đề xuất xây dựng một mặt trận thống nhất có sự tham gia của các đồng minh và đối tác để chống lại các mà ông cho là “hành vi gây hấn của Trung Quốc”. Song ông Biden cũng cho biết sẽ cố gắng hợp tác với Bắc Kinh về những vấn đề mà cả 2 bên cùng có lợi.
Mỹ nhiều khả năng sẽ giữ vững mục tiêu duy trì vị thế quan trọng tại châu Á. Nhưng mục tiêu này có thể được thực hiện bằng những biện pháp nhất quán hơn và kiềm chế hơn về mặt quân sự. Cách tiếp cận của đội ngũ Biden nhiều khả năng sẽ khác biệt so với cách tiếp cận của chính quyền Trump.
Cả Mỹ và Trung Quốc từng có một mối quan hệ ổn định về mặt quân sự trước khi ông Trump lên nắm quyền. Giới phân tích cho rằng, chính quyền ông Biden sẽ có cơ hội quay trở lại một thỏa thuận hợp lý hơn để giải quyết các bất đồng với Bắc Kinh, ít nhất là về vấn đề Biển Đông. Với thỏa thuận này, các bên sẽ phải giảm bớt những ngôn từ cứng rắn và các biện pháp ăn miếng trả miếng. Việc sử dụng vũ lực hoặc những hành vi can thiệp quân sự tại Biển Đông đều bị cấm theo luật pháp quốc tế.
Trong bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs, ông Kurt Campbell cho rằng, việc đảo ngược tình thế “sẽ là một thách thức và điều này đòi hỏi phải có sự khéo léo về mặt ngoại giao, thay đổi về thương mại và sáng tạo về thể chế”. Cụ thể, Mỹ cần “tái kết nối một cách nghiêm túc: chấm dứt việc gây chia rẽ với đồng minh hay bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh khu vực, tránh tách rời về kinh tế và thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia”.
Cây bút Mark J.Valencia của SCMP lưu ý, Mỹ cần phải đưa thêm một mục tiêu quan trọng khác khi điều chỉnh chính sách về Biển Đông đó là tái xây dựng và củng cố lòng tin ở Đông Nam Á. Washington nên chứng minh rằng họ có thể giải quyết những bất đồng với Trung Quốc một cách hòa bình. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng cần tham gia các hội nghị thượng đỉnh ASEAN để lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu của các nước Đông Nam Á, cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết. Điều này sẽ giúp thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và gắn kết giữa Mỹ với các nước thành viên ASEAN.
Tránh những tính toán sai lầm
Quan hệ Mỹ- Trung dưới thời Biden đã có những bước khởi đầu đầy sóng gió. Trung Quốc là một trong số những nước cuối cùng chúc mừng chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã trấn an Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga rằng, Mỹ sẽ bảo vệ lập trường của Tokyo trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điều Ngư, dù Washington biết rõ, động thái này sẽ gửi “tín hiệu tiêu cực” tới Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ và Nhật Bản không gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực hoặc làm tổn hại lợi ích của bên thứ 3.
Mặc dù chính quyền Biden đang xem xét lại chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc dưới thời Trump, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy, Washington sẽ mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, tân Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken tuyên bố, Mỹ sẽ sát cánh với nước Đông Nam Á có chủ quyền ở Biển Đông để chống lại sức ép của Trung Quốc. Quân đội Mỹ cũng gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc bằng cách triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Biển Đông để “đảm bảo tự do hàng hải”. Thông điệp chung từ chính quyền mới của Mỹ đến thời điểm hiện tại vẫn là tiếp tục đối đầu thay vì thỏa hiệp và hợp tác.
Theo cây bút Mark J.Valencia, đã đến lúc các bên cần phải xoa dịu căng thẳng trong quan hệ. Chính quyền ông Biden có thể thiết lập lại các kênh liên lạc để đảm bảo phía Trung Quốc hiểu rõ những lo ngại của phía Mỹ và ngược lại. Tất nhiên vẫn có những vấn đề mà hai bên về cơ bản không thể tìm được tiếng nói chung và Washington sẽ giữ lập trường kiên định, nhưng chắc chắn các bên có thể thu hẹp bất đồng trong một số lĩnh vực.
Tiếp đến, Mỹ và Trung Quốc cũng cần phải thực hiện các bước đi để tái khẳng định cơ chế quản lý khủng hoảng, đảm bảo tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến các cuộc xung đột nằm ngoài ý muốn. Theo ông Mark J.Valencia, hai bên đã xây dựng được một số cơ chế thông tin liên lạc và vì thế việc khôi phục các cơ chế này sẽ là một bước đi hợp lý./.