Nhà Trắng hy vọng những hành động dứt khoát và mạnh mẽ sẽ tạo động lực cho Tổng thống Biden thực hiện gói kích cầu kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.
“Hãy cứ để họ kiện ra tòa án”
“Bước lớn, bước nhanh và nếu cần sẽ bước đi mà không có đảng Cộng hòa”. Kể từ khi nhậm chức cách đây 2 tuần, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã khẳng định cách tiếp cận này song song với việc ban hành con số kỷ lục: 45 sắc lệnh hành pháp nhằm thực hiện những cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử từ vấn đề biến đổi khí hậu, phân biệt sắc tộc đến nhập cư, nhằm đảo ngược một số lượng lớn chính sách của chính phủ tiền nhiệm.
Mặc dù việc triển khai những chính sách mới, được hiệu chỉnh kỹ lưỡng, chưa thể giúp Mỹ phục hồi nền kinh tế hoặc kiểm soát thành công dịch Covid-19 ngay trước mắt, nhưng các cố vấn của Nhà Trắng tin rằng, ít nhất nó sẽ mang lại động lực cho Tổng thống Biden khi ông thúc đẩy gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD. Trên thực tế, niềm tin này mạnh mẽ đến mức các quan chức trong chính quyền ông Biden và đồng minh của họ sẵn sàng thách thức những nghị sỹ Cộng hòa phản đối họ và cho rằng người dân sẽ ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Whip Jim Clyburn – một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ đảm bảo được thế đa số nếu Tổng thống Joe Biden áp dụng cách tiếp cận đó với mọi thứ mà ông làm”. Ông Whip Jim Clyburn nói thêm: “Đừng cố thuyết phục phe Cộng hòa. Nếu họ từ chối thông qua các đề xuất, ông Biden có thể sử dụng quyền hạn để thực hiện. Hãy cứ để họ kiện ra tòa án”.
Đây là một bước ngoặt đáng chú ý so với thời chính quyền Trump – khi mà đảng Dân chủ là bên tiến hành các vụ kiện, đồng thời cũng là sự thay đổi lớn so với chính quyền của Barack Obama – vị tổng thống từng có câu nói rất nổi tiếng: “Chúng ta sẽ không ngồi yên chờ các văn bản luật để mang lại cho người dân Mỹ sự giúp đỡ họ cần. Tôi có một cây bút và tôi có một cái điện thoại!”. Câu nói này ám chỉ ông Obama quyết tâm vượt qua cục diện bế tắc về lập trường giữa Thượng viện và Hạ viện do 2 phe chia nhau kiểm soát để thực hiện các sắc lệnh hành pháp.
Tuy vậy, vẫn có những lo ngại từ phía cánh tả cho rằng ông Biden hành động chưa đủ mạnh để đảo ngược chính sách của ông Trump, chẳng hạn như chính sách nhập cư.
Về phần mình, phe Cộng hòa đã phản đối các bước đi ban đầu của ông Biden, chỉ trích ông đã hành động thái quá và những đề xuất mà ông đưa ra quá tốn kém. Nhiều thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng, ông Biden và phe Dân chủ sẽ không nhận được sự ủng hộ của cử tri.
Tránh lặp lại sai lầm
Phe Dân chủ thì tin rằng nếu đảng Cộng hòa cố gắng cản trở các công việc của chính quyền mới thì họ “sẽ phải gánh chịu hậu quả”, đặc biệt khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục và dịch bệnh Covid-19 giảm nhẹ.
Ông Harry Reid – thành viên Dân chủ, từng là cựu Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện cảnh báo: “Tôi nghĩ tốt hơn hết đảng Cộng hòa nên thận trọng bởi người dân Mỹ sẽ quay sang đổ lỗi và chỉ trích họ nếu chúng tôi không thể hoàn thành các công việc”.
Đây không phải là lần đầu tiên đội ngũ của Biden rơi vào tình thế như vậy. Trước đó năm 2009, khi còn là Phó Tổng thống dưới thời Obama, ông Biden đã vấp phải phản ứng dữ dội của phe Cộng hòa, khi đàm phán về một gói giải cứu nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Vì muốn có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, họ đã chấp nhận nhượng bộ với gói cứu trợ kinh tế nhỏ hơn.
Một cố vấn của ông Biden cho biết: “Joe Biden và Ron Klain (Chánh văn phòng Nhà Trắng) sẽ không lặp lại sai lầm lần thứ hai. Đây không phải là thời điểm cho những giải pháp nhỏ”. Ám ảnh bởi những gì mà họ cho là “toan tính sai lầm năm 2009”, phe Dân chủ quyết tâm đẩy nhanh gói cứu trợ và quyết sẽ không nhượng bộ đảng Cộng hòa.
Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama, ông Rahm Emanuel cho biết, những gì xảy ra vào năm 2009 và năm 2021 không giống nhau. Tổng thống Obama lên nắm quyền vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái. Do mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, ông Obama không muốn kéo dài các cuộc đàm phán. Thay vào đó, ông nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch ổn định nền kinh tế bằng cách bơm tiền khẩn cấp. Việc xem xét một dự luật cứu trợ với nguồn kinh phí lớn bị gác lại vì nhiều cố vấn hàng đầu của ông cho rằng nó sẽ khiến việc thông qua trở nên khó khăn hơn và kéo dài hơn.
Trái lại, ông Rahm Emanuel nói rằng, ông Biden đã “sử dụng biện pháp áp đảo và nhanh chóng”. Bằng cách ký một loạt sắc lệnh hành pháp, ông Biden đang đưa những vấn đề ít ưu tiên hơn ra khỏi bàn đàm phán và buộc Quốc hội phải tập trung vào gói kích thích kinh tế. “Ông Biden đã có chiến lược rất khôn ngoan khi giúp mọi người tập trung giải quyết một nhiệm vụ chính”.
Một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, phần lớn người dân Mỹ đều ủng hộ gói kích thích kinh tế quy mô lớn của tân Tổng thống Biden cùng những bước đi quyết liệt mà ông đã thực hiện kể từ khi nhậm chức. Theo Cuộc thăm dò của Đại học Monmouth, 54% cử tri tán thành cách điều hành công việc của ông Biden, trong khi số người phản đối chiếm 30%.