Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 12-2, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 108.391.516 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2.380.864 ca đã tử vong.
Số ca phục hồi hoàn toàn hiện là 80.585.531 ca, trong khi còn 25.425.121 ca vẫn dương tính với virus.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với 28.003.772 ca mắc COVID-19 và 486.929 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với 10.880.603 ca mắc và 155.484 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 9.716.298 ca mắc và 236.397 ca tử vong. Đứng thứ tư là Nga với 4.042.837 ca mắc và 79.194 ca tử vong.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 32.067.599 ca mắc, trong đó 704.105 ca tử vong. Tiếp theo là châu Âu với 31.919.176 ca mắc, trong đó 757.662 ca tử vong. Đứng thứ ba là châu Á với 23.880.972 ca mắc và 383.696 ca tử vong.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu giảm, nhiều nước vẫn duy trì hoặc tăng cường các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch. Ngày 12-2, Nhật Bản thông báo chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các vùng lân cận.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Nhật Bản, ngày 11-2, nước này ghi nhận 1.693 ca nhiễm mới trên toàn quốc, ít hơn nhiều so với số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức đỉnh điểm 7.882 ca ghi nhận hồi đầu tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, con số 121 ca tử vong ghi nhận ngày 10-2 cao chưa từng có ở Nhật Bản, trong khi nhiều bệnh viện đang trong tình trạng không còn đủ giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.
Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên khi tiếp tục cân nhắc nguy cơ bùng phát dịch bệnh cùng với nhu cầu khởi động lại hoạt động kinh tế, vốn đã bị đình trệ khi người dân hạn chế các chuyến đi chơi không cần thiết và các nhà hàng, quán rượu đóng cửa sớm trong bối cảnh dịch bệnh.
Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 tại Tokyo và các tỉnh lân cận Kanagawa, Chiba và Saitama vào ngày 7-1, sau đó mở rộng sang các tỉnh Tochigi, Gifu, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo và Fukuoka vào ngày 13-1. Tình trạng khẩn cấp ban đầu được dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 7-2, song sau đó được gia hạn thêm 1 tháng, ngoại trừ tỉnh Tochigi có tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực.
Trong khi đó tại châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehopher cho biết từ ngày 14-2, nước này sẽ cấm nhập cảnh từ các vùng biên giới với Séc và Tyrol của Áo do số ca nhiễm mới liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2 gia tăng tại các vùng dịch này.
Quyết định được đưa ra theo khuyến nghị chính quyền bang Bavaria và Saxony và đã được Thủ tướng và Phó thủ tướng Đức phê chuẩn. Theo Bộ trưởng Seehopher, Đức sẽ bố trí thêm nhiều chốt chặn tại khu vực biên giới nói trên, đảm bảo công tác phòng dịch song không ảnh hưởng đến giao thương.
Tại Anh, Giám đốc Y tế công, Susan Hopkins thông báo nước này có thể sẽ phải duy trì một số biện pháp phòng dịch cho đến khi toàn bộ người cao tuổi ở nước này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo báo cáo mới nhất, Anh đến nay đã tiêm chủng cho hơn 13,5 triệu người và áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới mới đề phòng nguy cơ lây lan của các biến thể của SARS-CoV-2.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12-1 đã cấp phép xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả các nước đề nghị, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên EC không nêu cụ thể số liều vaccine do các nhà máy trong Liên minh châu Âu (EU) sản xuất.
Cụ thể, kể từ ngày 30-1, thời điểm bắt đầu áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu vaccine đến nay, EU đã phê duyệt 37 đăng ký xuất khẩu vaccine sang 21 nước.
Quy định của EC gồm các biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sản xuất tại các nhà máy đặt ở các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca liên quan việc giao nhận vaccine.
Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực đối với các nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vaccine đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC. Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng.