Hai thành viên mới trong nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump được đánh giá là làm việc tại các công ty luật không nhiều tên tuổi và có quan điểm trái ngược với các cố vấn trước đây của ông Trump.
Trước phiên tòa luận tội tại Thượng viện chỉ hơn một tuần, 5 vị luật sư chính trong đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rời khỏi nhóm. Không còn các nhân vật kỳ cựu và kinh nghiệm sát cánh, ông Trump ngay lập tức phải thuê hai luật sư mới để hỗ trợ trong cuộc chiến luận tội đang đến rất gần. Thế nhưng, hai thành viên mới được đánh giá là đều làm việc tại các công ty luật không nhiều tên tuổi và có quan điểm trái ngược với các cố vấn trước đây của ông Trump.
Thay đổi nhóm pháp lý trước thềm phiên xét xử
Ngày 31-1, cựu Tổng thống Donald Trump đã công bố nhóm luật sư mới cho phiên tòa luận tội ông diễn ra tại Thượng viện Mỹ vào tuần tới, dẫn đầu là hai luật sư David Schoen và Bruce Castor.
Với hơn 30 năm hành nghề, Luật sư Schoen có nhiều kinh nghiệm tranh tụng phức tạp với tư cách là cố vấn chính tại các tòa án xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trên cả nước. Ông là thành viên của đoàn Luật sư ở các bang Alabama, New York, Maryland, Washington DC, và đã được nhận vào hành nghề luật sư tại tất cả các tòa án tiểu bang và liên bang trong các khu vực pháp lý đó, cũng như các tòa án xét xử liên bang ở Michigan, Illinois và Texas, nhiều tòa phúc thẩm liên bang và Tòa án Tối cao Mỹ.
Trong khi ông Castor, cựu quyền Tổng chưởng lý bang Pennsylvania, đã hành nghề tranh tụng dân sự hơn 10 năm và ngoài Pennsylvania, ông Castor còn là thành viên đoàn luật sư của Tòa án Tối cao Mỹ, Tòa phúc thẩm thứ ba, Tòa phúc thẩm Washington DC.
Dù có hồ sơ cá nhân khá ấn tượng và bề dày kinh nghiệm, song dư luận chung cho rằng hai luật sư vừa được cựu Tổng thống Trump bổ sung, được xem là “biện pháp chữa cháy”, không thể bù đắp được cho sự ra đi của nhóm 5 luật sư vào ngày 30/1. Đáng chú ý là hai người đứng đầu, ông Butch Bowers và bà Deborah Barbier. Ông Bowers là luật sư nổi tiếng ở thành phố thủ phủ Columbia, bang Nam Carolina và từng làm việc cho Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush. Bà Barbier, cũng là luật sư ở bang Nam Carolina, đã tham gia một số vụ tranh tụng nổi bật và từng là công tố viên liên bang trong 15 năm ở bang này trước khi mở công ty luật riêng.
Ông Trump vẫn nhiều cửa thắng
Dù đội ngũ pháp lý rơi vào khủng hoảng nhưng theo giới quan sát, ông Trump vẫn có nhiều cửa thắng bởi các thượng nghĩ sỹ phe Cộng hòa đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi dù không ưa nhưng vẫn phải phụ thuộc vào sức ảnh hưởng của cựu Tổng thống.
Đáng chú ý, cuộc điều tra dư luận do hãng Morning Consult tiến hành từ ngày 22 - 25/1, cho thấy 50% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng cựu Tổng thống Trump nên đóng vai trò chính trong đảng Cộng hòa, tăng 9% so với tỷ lệ 41% trong cuộc khảo sát từ ngày 6 - 7/1, tức ngay sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
81% cử tri đảng Cộng hòa trong cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 23 - 25/1 có quan điểm tích cực về ông Trump, tăng so với con số 76% trong cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 10 - 12/1. Điều đó cho thấy “sức hút” của ông Trump đối với cử tri đảng Cộng hòa hiện khá lớn và có thể còn tiếp tục gia tăng thời gian tới. Do vậy, nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, nhất là những người có ý định ra tái tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, sẽ phải cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng đối với lá phiếu của họ trong phiên xét xử luận tội lần này.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times ngày 1/2, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel thừa nhận tình trạng tranh chấp gay gắt trong nội bộ đảng này hiện nay, giữa thành phần bảo thủ muốn tách ra khỏi ảnh hưởng của ông Trump và thành phần cuồng nhiệt ủng hộ, sẵn sàng lập lại mọi điều mà cựu tổng thống nói ra và tìm cách triệt hạ những người trong đảng không đồng tình với ông Trump, như Hạ nghị sĩ bang Wyoming, bà Liz Cheney hay Thượng Nghị Sĩ John Thune ở Nam Dakota. Bà McDaniel khuyên các thành viên đảng Cộng hòa cần tự giải quyết các tranh cãi nội bộ đồng thời cảnh cáo rằng, nếu không có được sự đoàn kết và chú trọng vào cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, đảng Cộng hòa sẽ thua.
Thách thức lớn đối với Tổng thống Biden
Một kịch bản được nhắc đến nhiều lúc này là ông Trump sẽ được Thượng viện bỏ phiếu trắng án, đặt ra câu hỏi về tính cần thiết của phiên tòa luận tội. Trong khi đó, cuộc luận tội còn được cho là một lần nữa sẽ xới lên những mâu thuẫn và rạn nứt sâu sắc trên chính trường Mỹ - một trong những thách thức lớn nhất của tân Tổng thống Joe Biden.
Gần như chắc chắn cựu Tổng thống Donald Trump sẽ lại được Thượng viện “tha bổng” trong phiên tòa xét xử luận tội bắt đầu vào tuần sau. Để đi đến kết tội ông Trump, sẽ cần phải có ít nhất 67/100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ. Để thuyết phục được 17 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đứng về phía mình trong phiên tòa xét xử sắp tới được xem là một nhiệm vụ bất khả thi đối với các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Dù dự đoán được kết cục đó, song các thành viên đảng Dân chủ và thậm chí một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng phiên tòa lần này là cần thiết và phải diễn ra với mục đích sâu xa là ngăn cản ông Trump ra tranh cử một lần nữa.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 25/1, Tổng thống Joe Biden cho rằng sẽ không có đủ 17 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu kết tội cựu Tổng thống Donald Trump, con số cần thiết nếu toàn bộ 50 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ cũng bỏ phiếu kết tội cựu chủ nhân Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden cũng đã hối thúc các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng duy trì phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump trong thời gian ngắn và không để điều đó trệch khỏi chương trình nghị sự.
Theo tờ The Hill, Tổng thống Joe Biden chưa bao giờ gây áp lực đối với phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump lần thứ hai và ông cũng không tìm cách cản trở, trong bối cảnh đảng Dân chủ đã tỏ ra phẫn nộ trước vai trò kích động của ông Trump trong cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội Mỹ.
Các quan chức chính quyền Biden và các đồng minh thân cận với Nhà Trắng, nói rằng Tổng thống Joe Biden sẽ “tránh xa” phiên toàn xét xử bắt đầu vào ngày 9/2 tới và sẽ để Thượng viện làm những gì cần làm. Ông Biden tuyên thệ nhậm chức với một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ và không muốn phiên tòa xét xử người tiền nhiệm của mình ảnh hưởng tới việc định rõ chương trình nghị sự cho những ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình.