Tổng thống Mỹ Biden khẳng định cam kết đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại trước các đối tác châu Âu. Tuyên bố đã đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ sau 4 năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Coi việc khôi phục các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu, Tổng thống Joe Biden ngày 19-2 đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến và sau đó là Hội nghị an ninh hàng năm Munich, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Phát biểu từ Nhà trắng, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ tuyên bố, dưới sự lãnh đạo của ông, nước Mỹ đã trở lại, Liên minh Đại Tây Dương đã trở lại.
“Nước Mỹ đã trở lại. Với tư cách là Tổng thống Mỹ, ngay khi bắt đầu chính quyền của mình và ngay lúc này tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới. Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Chúng ta sẽ không nhìn lại phía sau, mà sẽ cùng nhau hướng tới tương lai”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Biden đồng thời tái khẳng định cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, kêu gọi chống lại điều mà ông cho là các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc hay đáp trả “các hoạt động gây bất ổn” của Iran ở Trung Đông. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh mong muốn của Mỹ tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 với sự tham gia của tất cả các nước đã ký kết, bao gồm cả Iran. Đặc biệt, để khôi phục vị trí của nước Mỹ tại châu Âu, ông Joe Biden đã không ngần ngại chỉ trích Nga tìm cách làm suy yếu các dự án châu Âu và NATO, song mặt khác cũng nhấn mạnh sẽ không để cho mối quan hệ hai bên trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự hòa giải này của Mỹ với chủ nghĩa đa phương và các liên minh truyền thống đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đón nhận nồng nhiệt. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ca ngợi Tổng thống Joe Biden đang đưa nước Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới:
“Nước Mỹ đã trở lại một cách đáng kinh ngạc với vài trò lãnh đạo thế giới tự do. Đó là một điều tuyệt vời. Và điều quan trọng là những người bạn Mỹ của chúng ta phải biết rằng những đồng minh của họ ở phía bên này của Đại Tây Dương sẵn sàng và có thể chia sẻ những rủi ro và gánh nặng cần giải quyết, những vấn đề khó khăn nhất trên thế giới”, Thủ tướng Anh Johnson nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá đây là thông điệp rõ ràng cho thấy chủ nghĩa đa phương đã được tăng cường và sẽ lại có nhiều cơ hội hơn trong G7. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bày tỏ tin tưởng vào một NATO mạnh mẽ hơn lúc nào hết.
“Tôi tin tưởng vào NATO, tôi tin rằng NATO cần một động lực chính trị mới và làm rõ các khái niệm chiến lược của mình. NATO cần cách tiếp cận chính trị nhiều hơn. Và tôi tin rằng sự tham gia tốt nhất có thể của châu Âu trong NATO là phải có trách nhiệm hơn nhiều về an ninh của riêng mình và chịu trách nhiệm nhiều hơn về quyền tự quyết chiến lược này. Những điều này sẽ khiến NATO thậm chí còn mạnh hơn trước”, Tổng thống Macron nói.
Có thể thấy, trong luần xuất hiện đầu tiên cùng các nước đồng minh, Tổng thống Joe Biden đã phần nào xoa dịu được cuộc khủng hoảng lòng tin vốn trở nên nghiêm trọng sau 4 năm đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Dù tham vọng của Tổng thống Biden khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ và tính toán của châu Âu về quyền tự chủ chiến lược là không dễ dung hòa, song theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, việc liệu có thể một lần nữa tăng cường hợp tác hay không sẽ phụ thuộc vào chính nước Mỹ và châu Âu./.