Ngày 28-2, làn sóng biểu tình phản đối quân đội Myanmar nắm giữ quyền lực tiếp tục leo thang căng thẳng và ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ.
Reuters, báo Bưu điện Bangkok dẫn nguồn tin của Liên hợp quốc cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng và trên 30 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar tại nhiều thành phố của nước này.
CNN cho hay các quan chức Myanmar nói rằng cảnh sát cũng đã bắt giữ 85 chuyên gia y tế và sinh viên, cùng với 7 nhà báo trong các cuộc biểu tình ngày 28-2. Theo nguồn tin này, tới nay đã có trên 1.000 người bị chính quyền quân sự Myanmar “tạm giữ hoặc bắt giam” kể từ ngày 1-2 tới nay, bao gồm cả các thành viên chính phủ dân cử trước đây.
Biểu tình nổ ra lớn nhất ở trung tâm thương mại Yangon khi hàng nghìn người bất chấp lệnh cấm của chính quyền đã đổ ra các đường phố để phản đối quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến đầu tháng 2. Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đang cố gắng vãn hồi trật tự. Cảnh sát đã sử dụng vòi rồng, lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán những đám đông quá khích.
Ngày 28-2 trở thành ngày bạo lực leo thang căng thẳng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát tới nay. Một nhân viên an ninh cũng bị thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.
Trước những diễn biến căng thẳng ở Myanamr, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Ngày 28-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình Myanmar, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực.
Người phát ngôn của TTK LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không chấp nhận được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar.
Trong phản ứng cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo áp đặt trừng phạt Myanmar. Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận rằng khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Ông Borrel nhấn mạnh: "EU sẽ sớm thực thi các biện pháp nhằm đáp trả những diễn biến này". Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt Myanmar, đồng thời quyết định dừng một số hoạt động viện trợ phát triển.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ lo ngại về hành động tại Myanmar. Trên mạng xã hội Twitter, ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên quyết ủng hộ nhân dân Myanmar can trường và kêu gọi tất cả các nước cùng lên tiếng ủng hộ ý nguyện của họ".
Bộ Ngoại giao Indonesia cùng ngày đã đưa ra tuyên bố chính thức liên quan đến tình hình an ninh bất ổn và cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Theo đó, Indonesia đề nghị lực lượng an ninh Myanmar không sử dụng bạo lực và kiềm chế để tránh thêm thương vong cũng như ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Indonesia bày tỏ rất lo ngại về sự gia tăng bạo lực ở Myanmar đã cướp đi nhiều sinh mạng. Tuyên bố có đoạn: "Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình của họ”.
Lực lượng y tế điều trị cho một người bị thương trong cuộc biểu tình ngày 28-2 ở Myanmar. Ảnh: CNN
Theo hãng tin Kyodo ngày 26-2, các nguồn tin ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho biết khối sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong tuần tới để thảo luận về tình hình Myanmar.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng 2 này. Theo các nguồn tin, hầu hết các quốc gia thành viên đều bày tỏ sẵn sàng tham gia cuộc họp, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin cũng sẽ tham gia.
Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức phối hợp cả trực tuyến và trực tiếp do tác động của đại dịch COVID-19. Phiên họp trực tiếp được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN.
Đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ "Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
Trước đó, quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tư lệnh Lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước, Thiếu tướng Zaw Min Tun cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu dài và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng.
Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.