Động thái của Anh, Pháp và Đức khi tính điều các tàu chiến tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải chăng là dấu hiệu cho thấy châu Âu đã chọn bên và không “ngại” đối đầu với Trung Quốc?
Châu Âu điều hàng loạt tàu chiến tới Ấn Độ - Thái Bình Dương
Khi cho rằng một quốc gia xem thường luật pháp quốc tế, các nước khác nhau sẽ phản ứng lại theo từng cấp độ khác nhau.
Đầu tiên, họ sẽ chỉ trích những hành động đó tại các cuộc họp báo và trong các tuyên bố. Nếu những chỉ trích này không có tác dụng, họ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và trong một bước đi xa hơn, có thể gia tăng sức ép quân sự nếu cần thiết, bao gồm cả việc huy động tàu chiến.
Với Trung Quốc, các nước lớn ở châu Âu đã bắt đầu với lựa chọn thứ ba. Minh chứng là Pháp đã điều một tàu khu trục tới vùng biển gần Nhật Bản ngày 19/2 để tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng của Nhật Bản và Mỹ.
Những động thái trên được đưa ra giữa bối cảnh làn sóng phản đối Trung Quốc ở châu Âu gia tăng mạnh mẽ, liên quan đến các vấn đề như Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương cũng như các hành động ngày càng quyết đoán của nước này ở Biển Đông.
Một nghiên cứu được Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào tháng 10/2020 cho thấy hơn 70% người dân ở Anh, Pháp và Đức có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Sự không hài lòng và những lo ngại về Trung Quốc ở 3 nước châu Âu trên đã được thể hiện trong những hành động có thể được coi là một hình thức của ngoại giao pháo hạm.
Điều này đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng của châu Âu, nơi mà những tính toán địa chính trị thường tập trung chủ yếu vào Nga kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Động thái đặc biệt đáng chú ý đến từ phía Pháp, quốc gia có New Caledonia và một số vùng lãnh thổ khác ở Nam Thái Bình Dương. Pháp cũng có hàng nghìn binh lính, tàu chiến và máy bay đồn trú trong khu vực này.
Bên cạnh việc cử tàu khu trục, Pháp đã tiết lộ hôm 8/2 rằng nước này đã cử một tàu ngầm tấn công hạt nhân tới Biển Đông.
"Việc tiết lộ công khai về những động thái mang tính bí mật cao của tàu ngầm hạt nhân là một điều bất thường", một quan chức an ninh châu Á cho hay.
Nhiệm vụ chủ yếu của tàu ngầm là tìm và đánh chìm các tàu ngầm của kẻ thù. Theo các nhà phân tích, bằng cách điều tàu tới Biển Đông, Pháp đang gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.
Lần đầu tiên thể hiện thái độ cảnh giác với các đảo của mình ở Thái Bình Dương, Pháp được cho là cũng sẽ cử một tàu lưỡng cư tới vào mùa hè này và trước đó đã tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên với Nhật Bản và Mỹ.
Trong khi đó, Anh có kế hoạch điều tàu sân bay tiên tiến HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ - Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Tàu sân bay này sẽ ở trong khu vực trong một vài tháng nhưng kế hoạch triển khai tàu sân bay của Anh tới Ấn Độ - Thái Bình Dương trong gần 1 năm vào một thời điểm nào đó trong tương lai cũng đã được đưa ra.
Đức, mặc dù sức mạnh hải quân hạn chế hơn Pháp và Anh, cũng sẽ cử một tàu khu trục tới Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm nay.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết những động thái trên cho thấy hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc tại khu vực này. Những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc tại châu Âu ngày càng sâu sắc sau các vấn đề liên quan đến Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương, cũng như đại dịch Covid-19.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự cũng khiến châu Âu lo ngại về các lợi ích kinh tế của mình. Biển Đông là một tuyến đường vận chuyển quan trọng, chiếm khoảng 10% trao đổi thương mại của Anh, Pháp và Đức.
Không còn “ngại” Trung Quốc?
Quân đội Trung Quốc sở hữu khoảng 350 tàu chiến, do đó, chỉ một vài tàu của châu Âu sẽ không thể tạo nên sự cân bằng về mặt quân sự. Tuy nhiên, thậm chí cả như vậy, các quan chức an ninh ở châu Á và châu Âu nhận định rằng, các hành động của Anh, Pháp và Đức có thể giúp đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc theo ít nhất 2 cách.
Đầu tiên, nếu châu Âu thể hiện khả năng và sự sẵn sàng tham gia vào các chiến dịch hàng hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc không còn lựa chọn nào ngoài điều chỉnh các kế hoạch ở Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông. Việc Anh, Pháp và Đức, cùng với Nhật Bản và Australia ủng hộ Mỹ sẽ gây ra trở ngại lớn hơn cho quyết định của Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động quân sự.
Thậm chí, nếu Anh, Pháp và Đức không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, họ có thể gián tiếp ủng hộ các lực lượng của Mỹ, Nicolas Regaud, một chuyên gia tham gia vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng Pháp cho tới năm 2019, cho hay.
"Nếu Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương liên quan đến Mỹ, chẳng hạn tại Eo biển Đài Loan, châu Âu sẽ không đứng nhìn mà không làm gì cả", chuyên gia Regaud, hiện làm việc như một nhà nghiên cứu cấp cao và giám đốc phát triển quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược nhận định.
"Về mặt chính trị, châu Âu sẽ chọn bên để bảo vệ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
Chuyên gia này cũng đánh giá: "Với cách làm như vậy, họ sẽ chấp nhận trả giá, chẳng hạn như việc Trung Quốc đáp trả bằng các vũ khí như thương mại, tài chính, an ninh mạng... Về mặt quân sự, Pháp, Anh và Đức có lẽ sẽ lấp đầy khoảng trống mà Hải quân Mỹ để lại ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải hoặc vùng Vịnh".
Ông Regaud cũng cho rằng "có một vài lựa chọn khác cho châu Âu để ủng hộ Mỹ trong các chiến dịch quân sự, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo hoặc hỗ trợ dân thường sơ tán".
Thứ hai, nếu Anh và Pháp tiếp tục đưa tàu chiến tới Ấn Độ - Thái Bình Dương, việc này sẽ dẫn đến một khung hợp tác hải quân mới do Mỹ dẫn đầu trong khu vực. Anh và Pháp có thể sẽ thúc đẩy sự hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác bằng cách tham gia vào các cuộc tập trận chung trong khu vực.
Tàu HMS Queen Elizabeth là một ví dụ cho các chiến dịch chung giữa quân đội Anh và Mỹ. Tàu sân bay này đã chở các chiến đấu cơ của Thủy quân lục chiến Mỹ và các máy bay của Anh. Các tàu khu trục của Mỹ cũng tham gia cùng với các tàu của Anh hộ tống tàu sân bay trên.
Việc Pháp, Anh và Đức điều các tàu chiến tới Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc và tạo ra những căng thẳng mới. Tuy nhiên, theo trang Nikkei Asia nhận định, động thái này cũng có những hiệu quả tích cực khi ngăn chặn "các hành động phiêu lưu quân sự" của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Dù vậy, các nước châu Âu hầu như không có một mặt trận thống nhất trong lập trường với Trung Quốc. Hungary và Ba Lan luôn cố gắng tách biệt với các động thái của Pháp và Đức. Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc vào cuối năm ngoái và không có ý định từ bỏ việc làm ăn với nước này.
Tuy nhiên, về dài hạn, châu Âu có thể sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Một báo cáo của NATO được công bố ngày 1/12/2020 đã xác định cùng với Nga, Trung Quốc cũng là một mối đe dọa.