Ngày 25/3, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ phát triển người bản địa Mỹ Latinh và Caribe (FILAC) công bố báo cáo dựa trên việc xem xét hơn 300 nghiên cứu cho biết, các dân tộc bản địa gắn bó với châu Mỹ Latinh cho đến nay vẫn là những người bảo vệ rừng tốt nhất trong các khu vực, với tỷ lệ phá rừng trên lãnh thổ thấp hơn tới 50% so với các nơi khác.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn lời Chủ tịch FILAC, bà Myrna Cunningham nêu rõ gần một nửa số khu rừng nguyên vẹn ở lưu vực sông Amazon nằm trong địa bàn sinh sống của thổ dân bản địa và bằng chứng về vai trò quan trọng của người bản địa trong việc bảo vệ rừng là rất rõ ràng.
Bà Cunningham đánh giá: “Trong khi diện tích rừng nguyên sinh chỉ giảm 5% trong giai đoạn 2000-2016 ở các khu vực của người dân bản địa, thì ở các khu vực không phải của người dân bản địa, diện tích rừng nguyên sinh đã giảm 11% trong cùng giai đoạn. Đây là lý do tại sao tiếng nói và quan điểm của người dân bản địa cần được tính đến trong tất cả các sáng kiến toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và lâm nghiệp”.
Đại diện khu vực của FAO, ông Julio Berdegue cho biết “các vùng lãnh thổ bản địa và bộ lạc chứa khoảng 1/3 tổng lượng carbon được lưu trữ trong các khu rừng ở châu Mỹ Latinh. Họ rất giàu có khi nói đến văn hóa, kiến thức và tài nguyên thiên nhiên, nhưng rất nghèo khi xét về thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ”. Ông khẳng định việc hỗ trợ sẽ giúp họ tránh được các dịch bệnh mới, vì đây thường là kết quả của sự tàn phá thiên nhiên.