Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD nhằm kích thích nền kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Lễ ký tại Nhà Trắng được truyền hình trực tiếp. Trước đó, Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua dự luật này.
Theo Sputnik, với việc thông qua gói cứu trợ, người dân Mỹ dự kiến sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ lên tới 1.400 USD mỗi người, khoảng 90% hộ gia đình sẽ nhận được khoản tiền này. Ngoài ra, khoản tiền trợ cấp hằng tuần dành cho người thất nghiệp sẽ tăng thêm 300 USD. Công dân Mỹ sẽ được miễn giảm thuế lên đến 3.600 USD cho một trẻ em, những công dân có thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ trả tiền thuê nhà.
Các khoản tiền hỗ trợ sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người dân Mỹ trong vòng vài ngày kể từ khi ông Biden ký ban hành luật.
Gói cứu trợ đã nhận được sự hoan nghênh khi vừa thúc đẩy được tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới.
Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice cho rằng gói cứu trợ COVID-19 này sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ từ 5-6% trong 3 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Ông Gerry nói: "Chúng ta sẽ được chứng kiến những tín hiệu tích cực đáng kể về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hầu hết các quốc gia sẽ đều hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ mạnh hơn... vì vậy điều này sẽ giúp cả tăng trưởng và phục hồi của kinh tế toàn cầu".
Tuy nhiên, ông Gerry cũng cảnh báo rằng với các mức lãi suất thấp, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cần đề phòng sự thay đổi đột ngột của chi phí đi vay. Đó là mối quan tâm ngày càng nhiều đối với thị trường tài chính trong những tuần gần đây khi các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tăng tốc mang lại hy vọng phục hồi nhanh chóng, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng có thể kích hoạt một vòng xoáy lạm phát sẽ buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến chiều 11/3, hơn 529.400 người Mỹ đã chết vì COVID-19. Khi chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường các nỗ lực tiêm chủng trên toàn quốc, các quan chức đã nhấn mạnh rằng cần có sự tài trợ của Quốc hội để đưa vaccine đến tay mọi người Mỹ. Gói cứu trợ COVID-19 của Tổng thống Biden cung cấp 14 tỷ USD cho việc nghiên cứu, phát triển, phân phối, quản lý và củng cố niềm tin vào vaccine.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hơn 95,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được sử dụng trên toàn nước Mỹ, trong đó có 3 loại vaccine đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.