100 ngày đầu tiên thay đổi nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden

05:41, 29/04/2021

Giai đoạn 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh giá là khá ấn tượng mặc dù ông đối mặt với không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.

Những quyết sách đầy hoài bão

Nhiệm kỳ Tổng thống trong giai đoạn đầu của ông Biden được xây dựng dựa trên hai mục tiêu chính: kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế.

 “Khi nhậm chức, tôi đã xác định rằng, tôi được bầu làm tổng thống để giải quyết các vấn đề của đất nước. Và vấn đề cấp bách nhất mà những người dân Mỹ đang phải đối mặt, là dịch COVID-19 và sự bất ổn kinh tế", Tổng thống Biden tuyên bố trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên vào tháng 3-2021.

Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo, thể hiện tham vọng lớn của ông muốn hồi sinh nước Mỹ. Trong đó, phải kể đến gói kích cầu 1.900 tỷ USD -  một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất mà người Mỹ từng chứng kiến. Ông Biden cũng cam kết đạt mục tiêu phân bổ 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu cầm quyền và mục tiêu này đã được hoàn thành sớm hơn dự kiến. Đến nay Mỹ đã phân phát 200 triệu liều cho người dân. 

Vào thời điểm ông Biden nhậm chức, Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 với 195.000 ca mắc mới và 3.000 ca tử vong mỗi ngày. Hiện giờ có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang thuyên giảm. Trung bình, nước này ghi nhận khoảng 57.000 ca mắc mới và gần 700 ca tử vong mỗi ngày.

Mặc dù những con số này vẫn còn cao, nhưng nó cho thấy chính quyền Biden đã thực hiện đúng với cam kết đưa ra. Điều này giúp đã giúp ông ghi điểm giữa thời điểm đen tối của dịch bệnh.

Cùng với gói kích thích kinh tế khổng lồ, Tổng thống Biden cũng công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD, chạm đến hầu như mọi ngõ ngách của đất nước và vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng. Hạng mục đầu tư bao gồm mọi thứ từ cầu cống, mạng lưới băng thông rộng đến phúc lợi cho người già và giáo dục cho người trẻ.

Và như vậy, trong bài phát biểu đầu tiên trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ dự kiến diễn ra vào lúc 21h ngày 28-4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Biden có thể thông báo rằng ông đang thực hiện hành công nhiệm vụ mà ông đặt ra trong ngày nhậm chức đó là “sửa chữa”, “khôi phục”, “hàn gắn” và  “xây dựng” nước Mỹ.

Nhiều người tin tưởng rằng, bằng năng lực quản lý của mình, Tổng thống Biden sẽ giúp nước Mỹ phục hồi sau cơn bão COVID-19 và phát triển một cách bền vững hơn bao giờ hết.

Bước khởi đầu thành công

Không phải ngẫu nhiên bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Biden lại diễn ra muộn hơn so với những người tiền nhiệm. Aaron Kall, Giám đốc phụ trách tranh luận của Đại học Michigan, Mỹ nhận xét: “Có lẽ tổng thống muốn đảm bảo các dự luật về kinh tế và dịch bệnh COVID-19 mà ông đề xuất được Quốc hội thông qua hoàn toàn. Thời gian chắc chắn đã được tính toán kỹ lưỡng”. Bài phát biểu này sẽ cho phép ông Biden khẳng định những thành tựu đã đạt được trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên, một tiêu chuẩn mang tính lịch sử đối để đánh giá bất kỳ tổng thống nào của nước Mỹ.

Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, đa số người dân đều hài lòng với cách thức đối phó dịch bệnh của ông Biden trong 100 ngày đầu tiên năm quyền. Theo kết quả các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden ở mức trung bình khoảng 55%, trong khi tỷ lệ không tán thành là 41%. Bên cạnh đó, ông Biden cũng được đánh giá tích cực về vấn đề kinh tế.

Cuộc thăm dò của NBC News công bố cuối tuần qua cho biết, 69% cử tri ủng hộ cách ông xử lý dịch bệnh và 52% đánh giá tích cực về cách thức quản lý nền kinh tế. Trong cuộc khảo sát của ABC News/ Washington Post, các con số này lần lượt là 64% và 52%.

Xét đến sự phân cực của nước Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2020, những con số này thể hiện bước khởi đầu thành công của Tổng thống Biden. Sau khi lên nắm quyền, đội ngũ của ông Biden đã khôi phục các cuộc họp giao ban công khai của các nhà khoa học mà chính quyền Trump từng hủy bỏ. Ông nhanh chóng mở rộng mạng lưới quản lý và phân phối vaccine nhờ gói kích thích 1.900 tỷ USD. Trong các bài phát biểu hay những cuộc họp báo chính thức, Tổng thống Biden luôn nhấn mạnh vào các trọng tâm chính trong chương trình nghị sự của ông.

Ngoài dịch bệnh COVID-19, Tổng thống Biden cũng phải giải quyết một loạt vấn đề khác liên quan đến chính sách đối nội, trong đó có việc ngăn chặn bạo lực súng đạn và cải tổ lực lượng cảnh sát. Sau một loạt vụ xả súng nghiêm trọng xảy ra tại Mỹ, ngày 8-4, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã công bố các biện pháp có giới hạn để giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm hạn chế số lượng các vụ xả súng, tự sát và gây đổ máu trong cộng đồng.

Về mặt đối ngoại, Tổng thống Biden đã có những động thái được các chuyên gia đánh giá tích cực, chẳng hạn như tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ra khỏi Afghanistan, theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc và hướng tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

 Chông gai phía trước

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều chông gai đang chờ đợi Tổng thống Biden trong chặng đường dài của nhiệm kỳ 4 năm. Hiện chính quyền mới của Mỹ đang vướng vào nhiều rắc rối liên quan đến vấn đề nhập cư. Quyết định của Tổng thống Biden đảo ngược các quyết sách của người tiền nhiệm đã đẩy ông vào thế khó khi số lượng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ tăng đột biến, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Mexico. Chưa hết, Tổng thống Mỹ cũng gây ra làn sóng phản đối khi ông ký lệnh giữ nguyên mức trần cho phép tối đa 15.000 người tị nạn vào Mỹ, khác xa so với kế hoạch ban đầu là 62.500 người.

Thách thức lớn hơn cả chính là sự chia rẽ đảng phái trong chính trường Mỹ vẫn còn khá lớn. Theo CNN, sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa dành cho các chính sách của ông vẫn còn hạn chế, thể hiện qua việc không một nghị sỹ nào của đảng này ủng hộ gói kích cầu 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden từng rất thất vọng khi đảng Cộng hòa không ủng hộ kế hoạch cứu trợ COVID-19, đề xuất dự luật kiểm soát súng đạn và các biện pháp khác vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng trong các cuộc thăm do dư luận. Giới phân tích cho rằng, nếu đảng này giành được quyền kiểm soát 1 trong 2 viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, nhiều chương trình lập pháp của Tổng thống Biden sẽ có nguy cơ sụp đổ./.