Thỏa thuận 25 năm với Iran liệu sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông hay có thể trở thành trở ngại ngáng đường các tham vọng của nước này?
Ký thỏa thuận với Iran, Trung Quốc chơi “canh bạc lớn”
Một số cố vấn chính phủ và nhà quan sát ngoại giao cảnh báo, Trung Quốc đang chơi một "canh bạc lớn" khi ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran.
Cả Iran và Trung Quốc đều khen ngợi thỏa thuận mà 2 bên ký hồi tuần trước giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Javad Zarif là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ 2 bên. Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ thúc đẩy ảnh hưởng ở Trung Đông thông qua thỏa thuận này.
Hai bên không đề cập chi tiết về kế hoạch trên, trong khi truyền thông nhà nước cũng chỉ đưa tin rằng thỏa thuận liên quan đến việc hợp tác trong những lĩnh vực như thương mại, kinh tế và vận tải.
Kế hoạch này không bao gồm các hợp đồng và mục tiêu cụ thể, cũng không nhắm đến bên thứ ba nào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/3.
Tuy nhiên, theo New York Times đưa tin, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm nhằm đổi lấy nguồn cung dầu mỏ ổn định để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển của mình.
Sun Degang, một chuyên gia về nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Fudan nhận định, Trung Quốc có lẽ muốn theo đuổi các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Arab - trong đó có nhiều nước thù địch với Iran, hoặc thậm chí cả Israel.
Chuyên gia này cho rằng kế hoạch hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Iran là một lựa chọn chiến lược từ góc độ toàn cầu, đặc biệt nhằm phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Hãng thông tấn Fars của Iran thì cho biết thỏa thuận được coi như một chương trình trình văn hóa, kinh tế, chiến lược và chính trị, theo đuổi một mối quan hệ toàn diện về dài hạn với các điều khoản về đầu tư và tài chính, cũng như ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
"Về các lĩnh vực như quân sự và quốc phòng, các vấn đề như huấn luyện, chuyển giao công nghệ quốc phòng, chống khủng bố và tập trận chung sẽ được thảo luận. Một trong những điểm nổi bật là thỏa thuận tập trung vào việc trao đổi bằng tiền tệ của 2 nước", bài báo này cho hay.
Ngoài ra, tài liệu trên cũng nhiều lần nhắc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dù vậy, một số nhà quan sát Iran bày tỏ nghi ngờ về các động cơ của Trung Quốc khi bản phác thảo về thỏa thuận 25 năm giữa 2 bên bị rò rỉ vào năm ngoái. Họ cho rằng hầu hết các thỏa thuận Vành đai và Con đường đều đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi mà những thỏa thuận này ban đầu có vẻ hấp dẫn nhưng sau đó đã khiến các quốc gia nghèo hơn và nhỏ hơn rơi vào bẫy nợ. Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, thỏa thuận trên giúp cả Tehran và Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn với Mỹ.
Tổng thống Joe Biden, giống như 2 người tiền nhiệm, đang cố gắng "xoay trục" khỏi Trung Đông để quay sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn phát triển thịnh vượng và có vai trò chiến lược quan trọng. Trên thực tế, điều này là bất khả thi bởi có quá nhiều vấn đề ở Trung Đông có ý nghĩa thiết yếu với các lợi ích của Mỹ. Một trong số này là hồ sơ Iran và tham vọng hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong khi Mỹ chưa hoàn tất kế hoạch xoay trục sang châu Á và rút khỏi Trung Đông, nước này không thể tập trung cùng lúc ở cả 2 khu vực. Sự ngần ngại của Mỹ trong việc can thiệp sâu hơn vào Trung Đông đã mở ra cơ hội cho các đối thủ của nước này, đó là Nga và Trung Quốc.
Iran và chính quyền Tổng thống Biden đều muốn Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, cả hai bên đều quan sát nhau và chưa sẵn sàng cho tới khi đối phương ra tín hiệu đàm phán trước.
Mở rộng ảnh hưởng hay “mua dây buộc mình”?
Một số nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc khác thì cảnh báo, thỏa thuận trên có thể gây ra những "rủi ro lớn" và gia tăng thách thức cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
"Iran hy vọng thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cả trên mặt chính trị và kinh tế. Đây là một thách thức với ngoại giao Trung Quốc và sẽ làm rung chuyển căn bản chính sách đối ngoại của Trung Quốc", một chuyên gia giấu tên từ một tổ chức nghiên cứu chuyên cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách Trung Đông cho hay.
"Liệu có đáng để Trung Quốc tự mua dây buộc mình với một quốc gia đang bị trừng phạt và cô lập hay không?", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Chuyên gia về chính sách với Trung Đông cho rằng, một vài mục tiêu khó có thể đạt được, chẳng hạn như thỏa thuận dầu mỏ trị giá 400 tỷ USD như đã được các bài báo đưa tin. Chuyên gia này cũng nhận định, nếu con số này chính xác thì nó sẽ gây ra một rủi ro lớn.
"Trung Quốc có thể cung cấp cơ sở hạ tầng nhằm đổi lấy dầu mỏ theo trong những hoàn cảnh bình thường. Tuy nhiên, môi trường kinh tế và thương mại Iran đang không tốt do nước này đang chịu các lệnh trừng phạt".
Một chuyên gia khác về chính sách Trung Đông tại Thượng Hải đánh giá, thỏa thuận Trung Quốc - Iran có thể dẫn đến những lo ngại với các quốc gia Trung Đông khác mà Bắc Kinh có lẽ muốn tập trung vào những mối quan hệ này nhiều hơn là với Tehran.
Mặc dù thỏa thuận Trung Quốc - Iran được đề cập rộng rãi trên truyền thông quốc tế nhưng Iran không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Các nước vùng Vịnh khác như Saudi Arabi đã thiết lập quan hệ này từ năm 2016 và Các Tiểu Vương quốc Arab (UAE) là từ năm 2018.
Saudi Arabia - một trong các đối thủ lớn nhất của Iran đang theo dõi sát sao việc Trung Quốc mua dầu từ Iran, chuyên gia tại Thượng Hải nhận định, đồng thời cho rằng Trung Quốc cần tái cam kết với các đối tác khu vực khác rằng Iran không phải trọng tâm duy nhất trong chính sách của Trung Quốc.
Saudi Arabia cũng là quốc gia vùng Vịnh duy nhất vào năm ngoái từ chối cung cấp cứu trợ nhân đạo cho Iran - vốn là nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, mặc dù nước này không thể hiện công khai nhưng Iran có thể sẽ không hài lòng khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định trong điểm dừng chân ở Riyadh rằng Trung Quốc ủng hộ giới lãnh đạo Saudi Arabia.
Trung Quốc coi việc thực hiện các nguyên tắc của mình như một cách để xoay xở thay vì giải quyết những xung đột phức tạp ở Trung Đông và cố gắng tránh sa lầy vào chúng.
"Trung Quốc không muốn chọn phe ở Trung Đông và chính sách không liên kết này vẫn không thay đổi. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Trung Đông cũng thể hiện rằng Trung Quốc muốn có một thái độ chủ động hơn và sẽ đầu tư nhiều hơn về quyền lực ngoại giao cũng như nguồn lực tại khu vực này", chuyên gia trên nhận định.
Rõ ràng, sự hợp tác chiến lược với vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng với những tham vọng dài hạn của Trung Quốc hơn so với những lợi ích ngắn hạn trong thỏa thuận với Iran./.