Trung Quốc và Mỹ đã điều các tàu sân bay tới Biển Đông và biển Hoa Đông, đánh dấu cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai đối thủ chiến lược trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.
Các nhà phân tích nhận định, sự hiện diện cùng lúc của hải quân Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa 2 bên trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các yêu sách phi pháp về chủ quyền và Mỹ tập trung vào chiến lược quốc phòng đối phó với Bắc Kinh.
Các động thái trên cũng diễn ra giữa bối cảnh những tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng sâu sắc sau khi các tàu Trung Quốc hiện diện tại khu vực Đá Ba Đầu ở Biển Đông (thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - ND). Phía Manila cáo buộc các tàu trên là lực lượng dân quân hàng hải song Bắc Kinh khẳng định là tàu đánh cá.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm 5-4 tuyên bố, lời bao biện của Trung Quốc rằng các tàu trên đang tìm chỗ trú ẩn do thời tiết xấu là "những lời nói dối trắng trợn" và "rõ ràng là một nhận định sai trái cho thấy sự bành trướng và yêu sách phi pháp của Trung Quốc".
Philippines cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, đồng thời một lần nữa yêu cầu các tàu của Trung Quốc rời khỏi khu vực này ngay lập tức.
"Ngày nào Trung Quốc còn trì hoãn thì Philippines vẫn tiếp tục đấu tranh ngoại giao", tuyên bố trên cho hay. Mỹ, Nhật Bản và Indonesia cũng gia tăng sức ép với Trung Quốc về sự việc này hồi tuần trước.
Ngày 4/4, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dẫn đầu là tàu USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông từ Eo biển Malacca. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đang ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua Eo biển Miyako ở Tây Nam Nhật Bản hôm 3-4. Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, theo đó cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp mà họ cho là cần thiết, đồng thời lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng này trong vùng biển trên.
Mỹ cũng tiến hành hàng loạt cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực hồi tuần trước, trong đó có cuộc tập trận với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Australia ở phía Đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie ở Sydney nhận định, việc tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông có ý nghĩa nhằm đối phó với những yêu sách phi pháp của Trung Quốc và thể hiện với các đồng minh rằng Washington là "một đối tác có khả năng và đáng tin cậy".
Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định Washington đang khẳng định các cam kết của mình với các đồng minh nhằm duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực và tìm cách ngăn cản Trung Quốc tiến hành "bất kỳ hành động quyết liệt" nào ở Đá Ba Đầu.
Chuyên gia Koh cho rằng các hành động của hải quân Trung Quốc trong khu vực, trong đó có việc đi qua Eo biển Miyako đã cho thấy nước này muốn chứng minh khả năng đối phó với chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế các lợi ích của Bắc Kinh
"Việc tập trung đông tại vùng biển khu vực với các lực lượng hàng hải đối lập nhau đã làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ xung đột nằm ngoài dự tính”, chuyên gia này đánh giá./.